Cuộc chiến tranh lạnh kỹ thuật số?

Cuộc chiến tranh lạnh kỹ thuật số? ảnh 1

Binh sĩ Trung Quốc trong giờ huấn luyện kỹ năng tin học

Ngày 8-9, Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thư ký Cơ quan quốc phòng Pháp Francis Delon cho biết Pháp đã trở thành “nạn nhân” trong cuộc tấn công mạng “có dính líu đến Trung Quốc”. Tuyên bố của ông Delon khẳng định lại những gì mà nhật báo Le Monde đăng trước đó một ngày rằng hệ thống máy tính Pháp bị tấn công theo cùng một kiểu như Mỹ, Anh và Đức.

Toàn cảnh “cuộc chiến”

Tuy nhiên, Pháp tỏ ra khá thận trọng khi gọi đích danh thủ phạm. “Chúng tôi có chứng cứ rằng vụ việc có dính líu đến Trung Quốc... Nhưng khi tôi nói Trung Quốc, điều đó không có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi không có một ngụ ý nào rằng vụ tấn công này do Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) gây ra” - ông Delon diễn giải. Khi được hỏi hệ thống máy tính nào bị xâm nhập, ông chỉ cho biết đó là những hệ thống “liên quan đến hoạt động nhà nước”.

Tuyên bố của Pháp đã châm thêm dầu vào ngọn lửa vốn bùng lên trong một tuần qua. Sự việc được nhen nhóm vào ngày 3-9 khi tờ Financial Times (Anh) đăng bài viết nghi ngờ hacker của PLA đã đột nhập hệ thống máy tính Lầu Năm Góc Mỹ từ tháng sáu năm nay. Ngay sau đó, Anh và Đức đồng loạt lên tiếng tố cáo PLA đã đột nhập và làm gián đoạn hoạt động hệ thống máy tính của chính phủ hai nước này.

Nói có sách, mách có chứng. Lầu Năm Góc đưa ra một báo cáo vạch trần kế hoạch tấn công trên mạng nhằm làm tê liệt hạm đội tàu chiến Mỹ do hacker quân đội Trung Quốc thực hiện. Báo cáo này được tờ Times của Anh trích đăng lại ngày 8-9. Theo đó, đây là kế hoạch của Bắc Kinh nhằm từ nay đến năm 2050 thiết lập được một “sự thống trị điện tử” với các đối thủ toàn cầu, cụ thể là Mỹ, Anh, Nga và Hàn Quốc.

Vài ngày trước khi Lầu Năm Góc tung ra báo cáo trên, báo Der Spiegel của Đức đăng tin hệ thống máy tính ở văn phòng Thủ tướng Angela Merkel, bộ ngoại giao và nhiều cơ quan chính phủ khác ở Berlin đã bị xâm nhập. Chương trình truy tìm đã dẫn đến cùng một địa chỉ: PLA.

Trung Quốc cũng là nạn nhân?

Một chuyên gia Trung Quốc phân tích trên tờ China Daily rằng các hacker có thể đã dùng các máy tính không được bảo mật của Trung Quốc để giả dạng nhằm chơi trò "gắp lửa bỏ tay người".

Một số chuyên gia an ninh khác thì cho rằng Trung Quốc cũng chỉ là nạn nhân trong các vụ tấn công mạng này.

Báo Independent dẫn lời một chuyên gia phân tích nói rằng 60% các vụ thâm nhập hệ thống an ninh quốc gia Mỹ có xuất xứ từ Mỹ. 40% còn lại bao gồm nhiều nước khác chứ không chỉ riêng Trung Quốc.

Thâm nhập PLA

Trước những đòn phủ đầu tới tấp của các nước phương Tây, Trung Quốc vẫn tỏ ra kiên định. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói rằng những cáo buộc quân đội Trung Quốc xâm nhập mạng máy tính nước ngoài là “vô căn cứ, vô trách nhiệm và là kết quả của những động cơ chưa rõ ràng”.

Để tìm hiểu thực hư, phóng viên Clifford Coonan của tờ Independent (Anh) đã thực hiện một cuộc điều tra đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tại đây, ông đã tiếp xúc với một nhóm chuyên gia tin học hoạt động bí mật dưới sự giám sát của PLA.

Qua lời kể của các chuyên gia này, hoạt động của những “điệp viên mạng” còn ly kỳ hơn cả... điệp viên 007. Nhiệm vụ của họ là phá các bức “tường lửa”, tấn công ổ cứng, đánh cắp các tập tin mật rồi gửi đến một nước thứ ba, thường là một nơi nào đó ở châu Á như Hàn Quốc hoặc Hong Kong. Sau đó, như những kẻ trộm chuyên nghiệp, những kẻ đột nhập này biến mất không để lại một dấu vết.

Phương pháp đột nhập có thể hiện đại nhưng chiến thuật thì vẫn như cũ, đó là cài virus Trojan vào chương trình PowerPoint hoặc Word, sau đó tìm đường xâm nhập hệ thống máy tính trong tầm ngắm. Các chuyên gia này thường “ngụy trang xuất xứ” bằng cách định hướng lại chương trình chứa virus thông qua mạng máy tính của Hàn Quốc hoặc máy chủ ở Đài Loan.

Nhưng những người thận trọng thì cho rằng đằng sau chuyện “la làng” của các nước phương Tây còn có nhiều ẩn ý. Họ lập luận rằng thông thường tin tức về các vụ thâm nhập an ninh thường được cung cấp cho quan chức an ninh cấp cao chứ không bao giờ tiết lộ cho công chúng. Giới sành tin học cũng đặt nhiều nghi vấn về quá trình truy tìm ra hacker, vì đây là đối tượng hoạt động rất cẩn trọng, không dại gì để lại dấu vết theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này”.

THANH TRÚC <EM>(Theo TTO)</EM>&nbsp;

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm