Căng thẳng phương Tây - Nga đang có xu hướng leo thang đáng ngại với loạt động thái, phát ngôn cứng rắn từ hai bên.
Loạt diễn biến căng thẳng phương Tây - Nga
Chỉ trong ngày 6-5 xảy ra hàng loạt diễn biến nóng giữa hai bên. Đáng chú ý nhất là việc Nga tuyên bố sẽ tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của lực lượng tên lửa, hải quân và không quân để kiểm tra khả năng triển khai loại vũ khí này, đài RT đưa tin.
Moscow cho biết quyết định tập trận được đưa ra sau những “diễn biến leo thang ở mức độ mới và chưa từng có liên quan chiến sự Ukraine” từ phương Tây, và những diễn biến đó “đòi hỏi sự chú ý đặc biệt và các biện pháp đặc biệt từ Nga”.
Cụ thể, theo Moscow, lý do tập trận là vì “những tuyên bố hiếu chiến” của một số quan chức phương Tây và “các hành động gây bất ổn” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Anh Nigel Casey và Đại sứ Pháp Pierre Levy tại Moscow để phản ánh hai nước này có những động thái leo thang căng thẳng liên quan cuộc chiến ở Ukraine, theo RT.
Với Đại sứ Anh Casey, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa các mục tiêu của Anh, gồm các cơ sở và trang thiết bị quân sự, ở Ukraine hoặc nơi khác nếu Kiev dùng tên lửa do Anh cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Sở dĩ có cuộc triệu tập này là vì trước đó Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với hãng tin Reuters rằng Ukraine có quyền sử dụng tên lửa tầm xa do Anh gửi để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Về phía Đại sứ Pháp Levy, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập ông “liên quan đến những phát ngôn ngày càng hiếu chiến của giới lãnh đạo Pháp” và “sự can dự ngày càng tăng của Pháp vào cuộc xung đột ở Ukraine”. Nga nhấn mạnh chính sách của Pháp về cuộc xung đột ở Ukraine là "phá hoại và khiêu khích, dẫn đến leo thang xung đột hơn nữa" và gây “bất ổn chiến lược” cho Nga.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ The Economist, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục nhắc đến khả năng phương Tây gửi quân đến chiến trường Ukraine, đồng thời khẳng định ông luôn theo đuổi một mục tiêu chiến lược là “bằng mọi giá không để Nga thắng ở Ukraine”.
Cuối tháng trước, khi Mỹ thông qua gói viện trợ hơn 60 tỉ USD cho Ukraine, Nga cũng đã cực lực phản đối. Moscow cho rằng gói viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine “là tài trợ trực tiếp cho hoạt động khủng bố”; “về cơ bản sẽ không thay đổi tình hình trên chiến trường"; sẽ khiến Ukraine thêm thương vong, tổn thất và làm cho Mỹ giàu hơn.
Theo một bài bình luận đăng trên trang Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), từ năm 2022 trở đi, Nga đã có chiến tranh không phải với Ukraine mà với phương Tây. Ngay cả khi cuộc chiến Nga-Ukraine kết thúc thì đối đầu giữa Nga và phương Tây cũng không chấm dứt và sẽ còn kéo dài.
Nga tập trận hạt nhân có đẩy nóng đối đầu?
Thông báo về cuộc tập trận từ phía Nga khiến NATO phản ứng gắt, cho rằng lời lẽ của Nga về vũ khí hạt nhân là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine. Mỹ cũng đã có những bình luận tương tự.
Các quan chức phương Tây từ lâu đã lo ngại rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, đặc biệt nếu nước này gặp phải thất bại nghiêm trọng trên chiến trường, nhưng Moscow luôn bác bỏ kịch bản đó. Việc Moscow tuyên bố tập trận dường như là lời cảnh báo rằng việc phương Tây can dự trực tiếp hơn vào cuộc chiến đã làm thay đổi tình hình.
Theo ông Pavel Podvig, nhà nghiên cứu về lực lượng hạt nhân Nga ở Geneva (Thụy Sĩ), Nga đã từng tiến hành các cuộc tập trận như vậy trước đây nhưng hiếm khi công khai. Tuy nhiên, lần này Nga công khai như vậy là để gửi đi một thông điệp lớn, tờ The New York Times đưa tin.
Theo ông đây là phản ứng trước những tuyên bố và động thái can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine và như lời nhắc nhở phương Tây rằng Nga đang có vũ khí hạt nhân trong tay và có thể sử dụng nó.
Tuy nhiên, ông Podvig cho rằng sẽ không có ý nghĩa gì khi Nga sử dụng chúng trong cuộc chiến ở Ukraine vì lực lượng Ukraine không tập trung mà dàn trải, do đó sẽ hạn chế tác động của loại vũ khí này trên chiến trường. Ông Podvig khẳng định vũ khí này chỉ để gửi tín hiệu và răn đe với đối phương.
Ông Putin: Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây
Ngày 7-5, trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống Nga lần thứ năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Moscow không từ chối đối thoại với các nước phương Tây, theo đài RT.
Ông Putin nói rằng phương Tây có quyền lựa chọn giữa việc tiếp tục gây áp lực, gây hấn và kiềm chế sự phát triển của Nga hay tìm kiếm con đường hợp tác, hòa bình, đối thoại với Nga.
Theo tổng thống Nga, sự hợp tác này phải bao gồm các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh và ổn định chiến lược. Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau trên nền tảng bình đẳng.