Hạ viện Mỹ điều trần về phán quyết vụ kiện của Philippines

Ngày 7-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong khẳng định Philippines sẽ tuân thủ phán quyết của PCA bất kể có lợi cho Philippines hay không, theo báo Manila Bulletin (Philippines).

“Bất kể phán quyết thế nào, có lợi cho chúng tôi hay không, chúng tôi vẫn sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế và hy vọng Trung Quốc cũng sẽ như vậy” - ông Arsenio Andolong nói.

Cùng ngày tại Mỹ, Tiểu ban Quân vụ Hạ viện và Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện tổ chức điều trần chung về những vấn đề liên quan phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Tham gia điều trần có Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Abraham Denmark, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Colin Willett, theo hãng tin AP (Mỹ).

Phán quyết của PCA về vụ kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông sẽ có vào ngày 12-7 và Trung Quốc đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết.

Ông Abraham Denmark nhận định phán quyết sắp đến của PCA có thể quyết định tương lai trật tự khu vực sẽ được quyết định bằng luật pháp quốc tế hay bằng sức mạnh, đồng thời đề nghị Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết.

Theo ông Denmark, Mỹ đã và đang hợp tác với các đồng minh, như Philippines, cũng như các đối tác khác trong khu vực để tăng năng lực hàng hải các nước này.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Colin Willett khẳng định Mỹ có quyền lợi lâu dài ở biển Đông. Bà Willett khẳng định Mỹ nhưng không đứng về bên nào trong tranh chấp và sẽ không chần chừ trong bảo vệ quyền lợi an ninh cũng như của các nước khác ở biển Đông theo luật pháp quốc tế, cũng như tôn trọng các cam kết của mình với các đồng minh và đối tác trong châu Á-Thái Bình Dương.

àu khu trục tên lửa USS Spruance của Mỹ tuần tra biển Đông gần đây.

Tàu khu trục tên lửa USS Spruance của Mỹ tuần tra biển Đông gần đây. (Ảnh: US NAVY)

Ông Denmark cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ hết mình về ngoại giao để ngăn chặn nguy cơ các bên viện tới vũ lực trong tranh chấp biển Đông. Dù thế, cả ông Denmark và bà Willett không nói cụ thể Mỹ sẽ có phản ứng quân sự hay không nếu Trung Quốc cứ tiếp tục quân sự hóa các đảo đá trên biển Đông.

Nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc có thể quân sự hóa bãi cạn Scarborough, nơi từng xảy ra đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc năm 2012, dẫn tới quyết định kiện Trung Quốc của Philippines lên PCA vào năm 2013. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã cải tạo, xây dựng nhiều đảo nhân tạo và quân sự hóa nhiều đảo đá trên biển Đông.

Bà Willett cho biết nếu Trung Quốc quyết định chiếm bãi cạn Scarborough Mỹ sẽ lên tiếng phản đối. Theo bà, động thái chiếm đóng, đưa người ra, hay quân sự hóa một bãi đá không có người ở là hành động rất nguy hiểm và gây mất ổn định nghiêm trọng khu vực. Tuy nhiên, bà không chắc phía Mỹ sẽ có hành động gì mạnh mẽ hơn.

“Bãi cạn Scarborough là một địa điểm tranh chấp và chúng tôi không công nhận chủ quyền thuộc về bên nào. Điều đó cho thấy Mỹ vẫn trung thành với tinh thần hiệp ước an ninh chung với Philippines” - bà Willett nói.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tuần tra biển Đông ngày 5-7.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tuần tra biển Đông ngày 5-7. (Ảnh: US NAVY)

Tại cuộc điều trần, Chủ tịch Tiểu ban về Sức mạnh biển Hạ viện Randy Forbes nhận định cả thế giới đang tập trung xem Trung Quốc có hành xử như một cá thể có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế hay không, cũng như xem phản ứng của Mỹ thế nào.

“Điều chúng ta sẽ làm hoặc không làm trong hỗ trợ các đồng minh và ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp trong vài tuần tới đây sẽ có tác động toàn khu vực cũng như các khu vực khác trên toàn cầu” - theo ông Forbes.

Mỹ thời gian gần đây đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, tăng cường quan hệ quốc phòng với nhiều nước Đông Nam Á. Tuy nhiên trong ngày 7-7 Chủ tịch Ủy ban Lực lượng vũ trang Hạ viện Mac Thornberry nhận định Mỹ cần huy động nhiều tàu hơn để đẩy mạnh hơn công tác tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm