Nhiều đội quyết vô địch SEA Games 29

Từ thời điểm này, các đội trẻ Đông Nam Á tập trung cho chiến dịch SEA Games 29 với rất nhiều đội đặt ra mục tiêu số một. Có chút thuận lợi ở khu vực vào tháng 7 này, vòng loại U-23 châu Á sẽ diễn ra như là cuộc tổng diễn tập cho nhiều đội U-22 để một tháng sau vào chiến dịch SEA Games.

U-22 Thái Lan thách thức cả làng Đông Nam Á

Đội tuyển quốc gia Thái Lan vẫn làm trùm Đông Nam Á và riêng cấp độ trẻ U-22 cũng là số một. Còn nhớ lứa U-21 của họ năm ngoái sang TP.HCM đá giải U-21 quốc tế (thua Yokohama của Nhật ở chung kết) cho thấy triển vọng cao. Thái Lan có thể hình, sức mạnh, lối chơi đều vượt trội các đối thủ cùng lứa ở Đông Nam Á.

Cũng cần biết đội U-21 Thái Lan lần đó không có nhóm cầu thủ du học bóng đá tại Học viện Leicester City (Anh) của tỉ phú Vichai. Cho nên với sự tăng cường của 16 tài năng cộng với đội hình dự giải ở TP.HCM thì chất lượng của tuyển trẻ sẽ càng nâng cao.

Thái Lan ở đấu trường SEA Games 29 vẫn là đội được đánh giá mạnh nhất. Họ chẳng đi tập huấn ngoài những trận giao hữu đơn lẻ. Cái chính là hầu hết cầu thủ U-22 Thái Lan đều đang khoác áo CLB đá Thai-League nên bản lĩnh và kinh nghiệm có thừa.

Đội tuyển U-22 Indonesia do HLV Milla Aspas từng đưa U-21 Tây Ban Nha vô địch châu Âu năm 2011 cũng rất mạnh. Họ vừa có chuyến tập huấn 45 ngày tại Tây Ban Nha (ở CLB Madrid và Valencia). Ngoài những cầu thủ nhập tịch cũ, Indonesia vừa có thêm tiền đạo Walian Erzan trưởng thành từ lò Ajax.

Đội khách U-22 Malaysia từng thua trận giao hữu U-22 Việt Nam 0-3. Ảnh: QUANG THẮNG

Ưu thế của chủ nhà Malaysia

Malaysia, nước chủ nhà SEA Games 29, cũng quyết liệt cho mục tiêu lấy vàng bóng đá sau nhiều năm rơi vào tay Thái Lan. Duy có điều HLV Ong Kim Swee đang bị tổn thương danh dự trầm trọng khi hoàng tử Ismail lên làm chủ tịch LĐBĐ Malaysia và giáng chức ông từ đội tuyển quốc gia xuống làm U-22. Còn HLV U-22 là Frank Bernhardt thì bị cho thôi việc.

HLV Ong Kim Swee đang quyết “phục hồi danh dự” cho mình bằng ngôi vô địch SEA Games 29. Ông ráo riết chuẩn bị giải Đông Nam Á cũng như vòng loại U-23 châu Á bằng chuyến tập huấn tại Trung Quốc nửa tháng. Sau đó các cầu thủ về lại CLB đá giải M-League, đến tháng 7 sang Thái Lan đá vòng loại châu Á.

Nội lực của U-22 Malaysia thực tế không quá mạnh khi từng sang TP.HCM hồi đầu năm đá giao hữu thua U-22 Việt Nam 0-3. Tuy nhiên, U-22 Malaysia lại có những lợi thế như thể hình, thể lực sung mãn và được chơi trên sân nhà nên sẽ là đối thủ đáng gờm.

Ngoài bốn ứng viên nuôi tham vọng rõ ràng, còn có U-22 Myanmar từng vào đến bán kết giải U-19 châu Á 2014 và tham dự World Cup U-20 năm 2015 tại New Zealand.

Đông Nam Á sau những cơn cao hứng của đội tuyển quốc gia Thái Lan tan mộng World Cup 2018, hay tuyển U-20 Việt Nam mơ vào vòng 2 World Cup trẻ bất thành… lại trở về với “ao làng” hứa hẹn sự hấp dẫn riêng ở sân chơi vừa tầm.

U-22 Việt Nam khát vàng

VFF chỉ giao chỉ tiêu cho thầy trò Hữu Thắng vào đến trận chung kết SEA Games 29 nhưng người trong cuộc thừa hiểu phải đoạt chức vô địch mới thỏa mãn giới hâm mộ. Bóng đá Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ vẫn chưa một lần đăng quang SEA Games nên sự kỳ vọng vào đội tuyển trẻ U-22 ngày càng lớn. Cơ sở của niềm tin này là lứa cầu thủ nòng cốt Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn,… xuất thân từ Học viện HA Gia Lai Arsenal JMG cùng với nhiều tài năng trẻ của CLB khác.

TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm