Ông Tanabe “mất tích”

Chính ông thầy Tanabe khi ấy cũng phát biểu một cách hết sức hồn nhiên như ông là người cầm chìa khóa. Ông tự tin nói chuyện sẽ dạy các CLB chuyên nghiệp Việt Nam cách kiếm tiền và những nhà tổ chức V-League kiếm tiền từ bóng đá thay vì ngửa tay xin tiền nhà tài trợ.

Hào hứng nhất trong ngày ra mắt ký hợp đồng mời ông Tanabe là Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng. Ông Thắng hết sức phấn khởi khi nói rằng mình như có cả một gia tài trong tay vì vị chuyên gia này rất giỏi và sẽ “set up” để bóng đá Việt Nam đi vào đường bằng J-League.

***

V-League 2013 đi được gần nửa chặng đường, nhiều người còn thấy ông Tanabe khi thì ở sân Thống Nhất, lúc ngồi chịu nóng ở sân Đồng Nai, khi lại ra tận Nghệ An ngồi giữa chảo lửa Vinh…

Ông càng đi nhiều lại thấy gương mặt ông ngày càng nặng nề hơn, mệt mỏi hơn.

Lần gần nhất gặp ông khi ông xem ĐT Long An thi đấu, ông có trao đổi với chúng tôi và khi ấy thấy rất rõ ông không còn say sưa với những đề án, những dự định sẽ đưa V-League bay bổng. Ông bắt đầu dùng nhiều hơn từ “Nếu tôi có thể…” và hay ngập ngừng trước những câu hỏi ở thì tương lai nhưng buộc phải có điểm nhấn và có kết quả.

Gương mặt ông Tanabe già đi thấy rõ chỉ sau thời gian ngắn nhìn nhận và thẩm thấu được cả mặt tích cực lẫn mặt trái của V-League.

Dần dần từ “SẼ” của ông được thay bằng từ “CỐ”.

***

Bẵng đi một thời gian, không ai còn thấy ông Tanabe đâu nữa. Mọi người nói vui là ông mất tích khi gọi điện thoại cho ông thì ngoài vùng phủ sóng, liên hệ trợ lý ông thì nghe nói ông có việc riêng... Hỏi người bạn thân nhất của ông là ông Võ Quốc Thắng thì ông Thắng ngập ngừng cho biết ông về nước lo việc gia đình (!?)...

Cũng có thông tin nói rằng ông sẽ không trở lại trong cương vị người dẫn dắt bóng đá Việt Nam đi theo bước đi chuẩn của bóng đá Nhật nữa.

Những người thân với ông và gần ông nhất đã tâm sự rằng ông càng tìm hiểu ra bản chất bóng đá Việt Nam nhiều thì lại càng thở dài hơn. Khi mà ông hiểu nguồn tiền để đội bóng tiêu xài, mua cầu thủ không phải tiền làm ra từ bóng đá. Và ông cũng hiểu rằng ở Việt Nam, bóng đá chưa thể sống bằng bản quyền mà hiện tại V-League đang được trả bản quyền ảo. Nói chung là bóng đá Việt Nam chưa thể là sản phẩm để có thể chào bán hoặc để hấp dẫn người mua.

Và nguy hiểm nhất mà ông Tanabe nhìn ra được đó là các CLB Việt Nam hầu như không chú trọng đến yếu tố truyền thống, đến yếu tố địa phương, đến tuyến trẻ khi thay vào đó là cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch và dùng tiền câu cầu thủ từ nhiều đội khác về.

Nếu ông Tanabe không bao giờ trở lại thì điều đó cũng hết sức bình thường…

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm