Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các chủ tịch UBND tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình triển khai dự án vành đai 4 TP.HCM. Theo đó, TP.HCM đề nghị các địa phương gấp rút triển khai dự án, cân đối nguồn vốn, sẵn sàng triển khai ngay sau khi được thông qua.
Vành đai 4 TP.HCM làm 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp
UBND TP.HCM cho biết đã cùng Bộ GTVT và UBND tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức nhiều cuộc họp về triển khai thực hiện dự án vành đai 4 TP.HCM.
Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn tuyến dự án được Thủ tướng Chính phủ giao làm Cơ quan có thẩm quyền.
Về quy mô dự án, các địa phương đều thống nhất quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc (tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy).
Đồng thời, các địa phương cùng thống nhất đề nghị TP.HCM chủ trì, thống nhất với các địa phương lựa chọn một đơn vị tư vấn để thực hiện rà soát, lập Báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ dự án.
Vì vậy, UBND TP.HCM đề nghị các địa phương gồm UBND tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án các đoạn tuyến vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan có thẩm quyền để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Cần cân đối nguồn vốn làm vành đai 4
Đối với các công trình cầu tại vị trí giáp ranh kết nối giữa 2 tỉnh (cầu Thủ Biên kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; cầu Bàu Cạn kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), TP.HCM đề nghị các tỉnh trao đổi, thống nhất phương án đầu tư (trách nhiệm giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng) và thực hiện trình tự thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư.
Đối với nguồn vốn, các địa phương chủ động tính toán theo hướng cân đối tối đa khả năng đóng góp của Ngân sách địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Từ đó, đề xuất nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án.
Đối với đoạn vành đai 4 do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền, TP.HCM cũng đề nghị rà soát khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án để đề xuất các phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, nguồn vốn Ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện dự án.
Về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường vành đai 4, TP.HCM đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện song song với công tác hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án.
Đồng thời, các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện sau khi các dự án được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Dự kiến dự án vành đai 4 TP.HCM sẽ trình quốc hội vào tháng 6-2024. Theo đó, các địa phương hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả các dự án, trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư vào quý III và quý IV- 2024.
UBND TP.HCM và các địa phương ký kết, ban hành kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng dự án trong tháng 3-2024.
Các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM trình Bộ KH&ĐT thẩm định trong tháng 4- 2024; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội thông qua trong tháng 6-2024...
Nỗ lực khởi công vành đai 4 vào dịp 30-4-2025
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành vận dụng Nghị quyết số 98 của Quốc hội để đồng loạt khởi công 3 dự án trọng điểm gồm cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và vành đai 4 vào dịp 30-4-2025.
UBND TP giao Sở GTVT phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát kỹ phương án thiết kế để đảm bảo chuẩn xác về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, lộ giới, phương án kết nối giao thông hai bên đầu cầu. Từ đó, tránh việc thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.