Triển khai Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM bị chậm

(PLO)- Bộ GTVT và lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đánh giá khâu chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM còn chậm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và lãnh đạo các tỉnh tại cuộc họp diễn ra cuối tháng 2, bàn việc xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Đầu tư Vành đai 4 TP.HCM đúng chuẩn cao tốc

Theo đó, Thứ trưởng và lãnh đạo các tỉnh đánh giá dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic.

Thêm vào đó, Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đã xác định đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 TP.HCM. Việc nghiên cứu chuẩn bị và triển khai đầu tư tuyến đường này là “cấp thiết tuy nhiên tình hình triển khai còn chậm”.

Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ GTVT và UBND các tỉnh và thành thống nhất tập trung tiến hành các bước đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM theo nhiệm vụ của Bộ Chính trị và Thủ tướng giao.

Hướng đi dự kiến của tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.
Hướng đi dự kiến của tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.

Về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật, Bộ GTVT thống nhất quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phần tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc. Cụ thể đường có tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy.

Riêng đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, đề xuất quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch.

Về cơ chế và chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4, Bộ GTVT cùng UBND các tỉnh và thành nhận thấy tổng mức đầu tư của các dự án thành phần rất lớn, qua nhiều địa phương, cần có giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Vì vậy các bên thống nhất cần báo cáo, xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và báo cáo Thủ tướng về chủ trương xây dựng Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.

Các cơ chế đặc thù cho dự án Vành đai 4 TP.HCM sẽ được tham khảo ở các dự án đã triển khai và được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chính sách đặc thù. Chẳng hạn, dự án đường Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM…

Trong đó, lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách đặc thù nào thuộc thẩm quyền Thủ tướng, cơ chế chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền Quốc hội.

TP.HCM là cơ quan đầu mối

Bộ GTVT và UBND các tỉnh thống nhất đề nghị chính quyền TP.HCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối để thực hiện tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cơ quan đầu mối sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM để báo cáo xin ý kiến các bên.

Bộ GTVT và các địa phương cũng thống nhất đề nghị TP.HCM chủ trì, thống nhất với các địa phương lựa chọn một đơn vị tư vấn tổng thể để thực hiện rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án. Trong đó, tư vấn sẽ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến.

Quá trình trên, Bộ GTVT sẽ giao các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án.

Các tỉnh cũng được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án được giao làm cơ quan có thẩm quyền và hoàn thiện các thủ tục có liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong quý III năm nay.

Trong đó, Thứ trưởng lưu ý các tỉnh tập trung rà soát tổng mức đầu tư đảm bảo phù hợp với quy định và sát với thực tế; rà soát phương án tài chính, vốn nhà nước tham gia các dự án. Song song đó, làm rõ khả năng cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương tham gia dự án được giao làm cơ quan có thẩm quyền trong kỳ trung hạn 2021-2025 và 2026-2030, đề xuất giá trị phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các dự án để làm cơ sở xây dựng cơ chế đặc thù liên quan đến phần vốn nhà nước tham gia các dự án.

Đối với đoạn Vành đai 4 do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Long An nghiên cứu đề xuất của TP.HCM, chỉ đạo tư vấn bổ sung thêm phương án đầu tư. Chẳng hạn như việc tách đoạn Vành đai 4 trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM (dài khoảng 3,8km) thành dự án thành phần độc lập và giao TPHCM làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Về phương án đầu tư các công trình cầu tại vị trí giáp ranh kết nối giữa hai tỉnh (cầu Thủ Biên kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, cầu Bàu Cạn kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ GTVT đề nghị các tỉnh trao đổi, thống nhất trách nhiệm giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng. Cạnh đó, xuất cơ chế, đặc thù để đầu tư các công trình cầu nằm trên địa bàn của hai tỉnh.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM dài hơn 206km. Trong đó, TP.HCM được giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai 17,3km, Bình Dương 47,45km. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai 18,1km, Đồng Nai 45,6km và tỉnh Long An 78,3km.

Qua kết quả nghiên cứu sơ bộ, các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn các địa phương bố trí cho các dự án vành đai 4 TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương kiến nghị ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm