Đề xuất một số cơ chế đặc thù để làm dự án vành đai 4

(PLO)- Để đẩy nhanh tiến độ dự án vành đai 4,  Bộ GTVT và các địa phương đã cùng thống nhất xin một số cơ chế đặc thù.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP cho biết mới đây, Bộ GTVT đã chủ trì làm việc với các tỉnh thành trong vùng dự án vành đai 4 gồm (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An).

Dự án gặp một số vướng mắc

Theo ý kiến của các địa phương, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, dự án vành đai 4 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử như về quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 giữa các dự án chưa thống nhất về bề rộng mặt cắt ngang; chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương); cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án (cầu Thủ Biên giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương)...

dự án vành đai 4
Các địa phương đã đặt mục tiêu quyết tâm triển khai nhiều nhóm công việc để đồng loạt khởi công vành đai 4 vào năm 2025.

Bên cạnh đó, nguồn vốn nhà nước phải chi cho các dự án lớn, trong khi ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án.

Do đó, để triển khai dự án cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thống nhất một số phương án gỡ vướng

Trên cơ sở ý kiến tại cuộc họp, Bộ GTVT và các địa phương đã thống nhất một số nguyên tắc triển khai dự án. Theo đó, các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 TP.HCM.

Để đảm bảo khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, TP.HCM đang phối hợp các tỉnh báo cáo Hội đồng điều phối vùng trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4.

Cụ thể, giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác để thực hiện đầu tư các dự án đường vành đai 4 TP.HCM; được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Long An tham gia dự án. Tỉ lệ cụ thể sẽ tính toán báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó là cho phép tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án (nếu cần).

Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đặc biệt sẽ thống nhất chọn một đơn vị tư vấn tổng thể để nghiên cứu, rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho toàn bộ tuyến về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung.

Bộ GTVT là cơ quan chủ trì, hướng dẫn các địa phương, báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ các nội dung về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung, phân kỳ đầu tư... của các dự án đường vành đai 4 TP.HCM.

Dự án vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 206 km đi qua 5 tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu

Các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều đầu việc để trình dự án vành đai 4 ra Quốc hội vào giữa năm 2024 và khởi công vào năm 2025, dự kiến hoàn thành năm 2027.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm