“Ám khí” từ trên cao

Do không gian chật hẹp, nhiều gia đình thường tận dụng lan can, bờ tường, mái nhà… để đặt bồn nước, bình bông, chậu cây kiểng. Chúng thường được kê khá chênh vênh, ràng buộc sơ sài trong khi bên dưới là đường giao thông hay không gian sinh hoạt chung. Mỗi khi có gió mạnh, những đồ vật này rất dễ trở thành mối họa cho người đi đường.

Bình bông, chậu kiểng gây họa

Chị Trần Thị Lan, bán chè dạo ở khu vực đường Vườn Lài (phường Tân Thành, quận Tân Phú), kể: “Ngày 2-1, bình bông từ trên ban công một căn nhà ba tầng bất ngờ rớt xuống nơi tôi đang bán. Miểng sứ cùng đất cát văng tung tóe, bắn cả vào chén chè vừa múc ra. Nếu bình bông rơi chệch đi một chút thì tôi hoặc cô gái mua chè chắc giờ này còn nằm trong bệnh viện”.

Tương tự, trong đợt nghỉ tết Dương lịch vừa qua, anh Hoàng Văn Thiện cùng bạn bè đang ngồi uống cà phê trong khu chợ Nhỏ (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) thì bất ngờ một vật khá lớn rớt thẳng vào giữa bàn nước. Ly tách văng tung tóe, ai nấy hốt hoảng chạy dạt ra. Khi định thần, mọi người mới biết đó là chiếc chậu trồng cây thiên tuế bằng đất nung vừa rớt từ lan can tầng một của quán cà phê xuống.

“Ám khí” từ trên cao ảnh 1

Nhiều chậu kiểng được kê trên cao nhưng không ràng buộc an toàn. (Ảnh chụp tại một con hẻm trên đường Huỳnh Văn Nghệ, phường 12, quận Gò Vấp). Ảnh: M.HIẾU

Không chỉ bình hoa, chậu kiểng, nhiều người còn lắp bồn chứa nước dung tích lớn lên những giàn giáo tạm bợ hoặc ngay trên mái nhà. Chị Phan Hà Thương, ngụ đường Huỳnh Văn Nghệ (phường 12, quận Gò Vấp), cho biết: “Gần nhà tôi có ba hộ lắp bồn chứa nước chông chênh trên mái tôn ngay sát đường đi. Thấy nguy hiểm, tổ trưởng tổ dân phố đến vận động chủ nhà gia cố lại cho an toàn nhưng họ ngại tốn kém nên chưa làm. Khi các hộ xung quanh góp ý, chủ nhà còn nổi cáu, cho rằng chính quyền không xử phạt thì hàng xóm nhiều lời làm gì!”.

Nhắc nhở là chính

Ông Vi Hoàng Nam, Chánh Thanh tra Xây dựng quận 9, xác nhận việc người dân để chậu kiểng, bồn chứa nước trên cao không bảo đảm an toàn đang diễn ra khá phổ biến. Nhưng do chưa có quy định xử phạt nên khi phát hiện, thanh tra xây dựng chỉ có thể nhắc nhở, vận động chủ nhà gia cố, rào chắn thêm cho an toàn.

Tương tự, ông Lâm Quang Thơ, Chánh Thanh tra Xây dựng quận Tân Phú, cũng cho biết rất khó xử phạt những trường hợp như vậy. “Chúng tôi chỉ có thể kiến nghị các địa phương chú ý nhắc nhở, vận động người dân ràng buộc cẩn thận những vật dụng để trên cao. Mục đích nhằm tránh gây tai nạn cho người đi đường và chính chủ nhà” - ông Thơ nói.

“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh quy định để có thể xử phạt đối với những trường hợp đã được nhắc nhở nhưng cố tình không chấp hành” - ông Nam cho biết thêm.

Một số vụ tai nạn “từ trên trời rơi xuống”

- Chiều 7-9-2011, hai công nhân Đồng Văn Tý, Lê Văn Hậu đang làm việc tại một phân xưởng trên đường Thoại Ngọc Hầu (Hòa Thạnh, Tân Phú, TP.HCM). Bất ngờ bồn nước loại 500 lít từ trên mái nhà cao khoảng 10 m rơi xuống đè trúng hai người. Anh Tý chết, anh Hậu bị gãy chân.

- Tối 13-6-2012, khi đang rửa cốc chén, bà Nguyễn Thị Mầm (thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bị bồn nước dung tích 1.000 lít rơi từ trên nóc nhà tắm xuống đè lên người. Nạn nhân chết tại chỗ.

- Trong lúc quét sân nhà sáng 23-7-2012, ông Phạm Tý (thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định) bị một chậu kiểng trên lan can tầng hai rơi xuống trúng đầu, chấn thương sọ não. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng nạn nhân không qua khỏi.

MINH HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm