Bán vé số sai địa bàn: Phạt ai?

Đoàn kiểm tra liên ngành của Ninh Thuận ngày 1-9 đã giữ một người bán vé số dạo đang đi bán tám tờ vé số do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết (XSKT) Bình Thuận phát hành. Theo đoàn kiểm tra, người bán dạo này đã vi phạm quy định khi bán vé số do các tỉnh khu vực phía Nam phát hành trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

Khi bị yêu cầu về trụ sở công an để lập biên bản, người bán vé số nhất định không chấp hành. Lý do là bà bán vé số do Nhà nước phát hành, không phải vé số giả. Hơn nữa, trên tờ vé số không quy định cấm phát hành ở Ninh Thuận! Trong trường hợp này, bên nào đúng và bên nào sai?

Không được bán vé số trái địa bàn

Một cán bộ lãnh đạo vụ của Bộ Tài chính khẳng định việc bán vé số phải tuân thủ quy định chứ không thể bán tự do như hàng hóa bình thường, bởi vé số có liên quan đến nguồn thu ngân sách cho địa phương. Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính đã quy định rõ ba địa bàn phát hành vé số (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) và việc phân chia địa bàn được thể hiện trong hợp đồng với các đại lý.

Theo Điều 13 Thông tư 75/2013, khu vực miền Trung được lưu hành “Xổ số truyền thống, xổ số cào biết kết quả ngay, xổ số bóc biết kết quả ngay được phát hành theo cơ chế thị trường chung” (miền Nam cũng áp dụng tương tự). Thông tư này cũng giải thích rõ “cơ chế thị trường chung là cơ chế phát hành vé xổ số theo phương thức từng công ty XSKT trong cùng khu vực phát hành vé xổ số và bán trên toàn địa bàn của khu vực”.

“Như vậy vé số miền Trung chỉ được bán ở khu vực chung miền Trung. Vé số miền Nam bán ở khu vực chung miền Nam. Vé miền Nam mà bán ở miền Trung là không đúng” - vị lãnh đạo cho hay.

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xổ số cho biết thời gian qua nhiều công ty xổ số ở miền Trung phản ánh tình trạng vé số do các tỉnh miền Nam phát hành được bán tràn lan tại các tỉnh miền Trung, nhất là tại hai tỉnh giáp ranh Bình Thuận và Ninh Thuận. Điều này trái với quy định vé số khu vực nào chỉ được lưu hành ở khu vực đó; không được phát hành sang khu vực khác được nêu trong Thông tư 75/2013.

Về mức xử phạt, Điều 38 Nghị định 98/2013 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh xổ số không đúng địa bàn; tịch thu toàn bộ số lượng vé xổ số kinh doanh không đúng địa bàn và buộc thực hiện kinh doanh xổ số theo đúng địa bàn quy định.

Một người bán vé số ở khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) chiều 4-9. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhưng phạt người bán dạo hay đại lý?

Theo một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tài chính, Thông tư 75 cũng quy định “Đại lý xổ số là tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo pháp luật theo quy định tại thông tư này trực tiếp ký hợp đồng đại lý xổ số với công ty XSKT để thực hiện phân phối vé, tiêu thụ vé và trả thưởng cho khách hàng”. Vì vậy không thể nói quy định bán vé số đúng địa bàn chỉ áp dụng cho doanh nghiệp, không áp dụng cho người đi bán vé số.

“Những người bán dạo đều thuộc hệ thống đại lý, lấy vé từ hệ thống đại lý, đều có hợp đồng, văn bản thỏa thuận nói rõ địa bàn bán vé nên không thể nói không biết quy định này. Do vậy việc xử phạt người bán vé số dạo là đúng, dù rằng gây dư luận không hay lắm” - vị cán bộ cho hay.

Ngược lại, vị lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xổ số nêu trên cho hay việc xử phạt chỉ áp dụng với đại lý và doanh nghiệp kinh doanh xổ số, không áp dụng với những người bán vé số dạo. “Trong trường hợp phát hiện người bán vé dạo bán vé số khác khu vực, cơ quan chức năng sẽ truy lại nguồn nơi cung cấp vé số đó (đại lý, tổ chức kinh doanh) để xử lý. Người bán vé dạo không phải là đối tượng ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh xổ số. Họ chỉ đi bán thuê nên không có căn cứ để xử phạt” - vị này chia sẻ.

Tương tự, Giám đốc Công ty XSKT ở một tỉnh ĐBSCL cũng cho biết không có quy định nào xử phạt người bán vé số dạo. Nếu muốn quản chặt thì nên có chế tài đối với đại lý cấp 1 đã cung cấp vé số cho người bán dạo đó. Trường hợp người bán dạo nhận vé địa bàn này rồi tự ý mang bán ở địa bàn khác thì đại lý cấp 1 hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng với cá nhân vi phạm.

“Do Bình Thuận, Ninh Thuận là địa bàn giáp ranh giữa hai khu vực miền Nam-miền Trung theo phân chia nên tôi nghĩ giữa hai địa phương nên có sự thỏa thuận, giao ước với nhau về vấn đề siết đại lý cấp 1. Chứ còn chăm chăm phạt người bán vé số dạo thì khó cho họ quá” - vị này nói.

Theo Thông tư 75/2013, hoạt động kinh doanh XSKT được chia theo các khu vực cụ thể như sau:

Khu vực miền Bắc gồm các tỉnh, TP: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái;

Khu vực miền Trung gồm các tỉnh, TP: Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế;

Khu vực miền Nam gồm các tỉnh, TP: An Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai, Hậu Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Trước đây, tỉnh Đắk Nông từng kiến nghị Bộ Tài chính cho phép Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh Đắk Nông gia nhập khối thị trường miền Nam nhưng không được chấp thuận. Bộ Tài chính trả lời rằng Thông tư 75/2013 đã quy định địa bàn phát hành vé số Đắk Nông thuộc các tỉnh khu vực miền Trung. Việc cho Công ty XSKT Đắk Nông tham gia vào khu vực miền Nam sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả hai khu vực.

Trong báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh tháng 7-2016, Công ty TNHH MTV XSKT Ninh Thuận đánh giá “tình hình lấn chiếm thị trường của các đại lý bán lẻ vùng giáp ranh với khu vực miền Nam (Ninh Thuận, Đắk Nông) diễn biến phức tạp. Công ty và các ngành chức năng đã sử dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến xử phạt nhưng chưa mang lại kết quả cao”.

______________________________

Các đại lý vé số lớn ở Ninh Thuận biết rõ quy định không được bán vé số trái địa bàn phát hành và đều phổ biến cho người bán vé số dạo từ lâu. Như tôi chỉ bán vé số miền Trung loại năm số vì đa số người dân Ninh Thuận quen với loại vé số này.

Chủ một đại lý vé số ở Ninh Thuận

H.TRÂM ghi

Tôi rất lo lắng khi biết việc bán vé số khác địa bàn có thể bị phạt. Tôi là người nghèo ít học, đi bán vé số gần chục năm nay nhưng chưa biết việc này bao giờ. Tôi cũng chưa thấy ở trong miền Nam mình có ai bán vé số miền Bắc cả.

NGÂN, 55 tuổi, bán vé số dạo trên
đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh

T.TÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy