Chiều 17-5, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát với UBND TP Thủ Đức về việc thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC) về tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025.
Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TP.HCM nêu ý kiến về các nội dung liên quan đến hiệu quả của việc thực hiện phân cấp, ủy quyền và thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại địa phương.
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm về đề án vị trí việc làm tại TP Thủ Đức bởi đây là địa phương được thành lập theo mô hình “TP trong TP” đầu tiên của cả nước.
Kiến nghị TP.HCM bố trí đủ nhân sự
Về nội dung phân cấp, ủy quyền, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho rằng có nhiều hiệu quả tích cực khi cấp quận, huyện được ủy quyền thực hiện một số nội dung. TP.HCM đã phân cấp, ủy quyền cho UBND quận, huyện phê duyệt giá bồi thường và giá bán tái định cư, đã giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công của các đơn vị…
Từ đó, ông Hoàng Tùng kiến nghị HĐND TP quan tâm; đề xuất UBND TP.HCM phân cấp mạnh hơn cho cấp quận, huyện ở nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, ông Hoàng Tùng cũng nêu khó khăn của địa phương, thực tiễn quá trình vận hành TP Thủ Đức theo mô hình mới đã đặt ra yêu cầu và những thách thức rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Với số lượng biên chế hành chính của thực hiện theo Đề án 591 ngày 11-11-2020 của Chính phủ sẽ khó có thể đáp ứng được nguồn nhân lực tham mưu, giúp việc cho TP Thủ Đức trong điều kiện địa bàn quản lý rộng lớn, việc tổ chức triển khai các nội dung phân cấp, ủy quyền, cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức cũng đòi hỏi lớn nguồn lực về con người, cơ sở vật chất… để đảm bảo triển khai thực hiện tốt các nội dung trên.
Nêu kiến nghị với đoàn giám sát, chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành các căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và thực tế sử dụng biên chế được giao giai đoạn 2016-2021; khả năng đáp ứng khối lượng công việc hiện tại dự báo các nhiệm vụ phát sinh trong giai đoạn 2022-2026, trong đó bố trí nhân sự để đảm bảo công tác chuyên môn được vận hành ổn định và đạt hiệu quả cao.
TP Thủ Đức cần đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền cho UBND các phường trong thực hiện nhiệm vụ theo luật định.
Mạnh dạn đề xuất nội dung cần phân cấp
Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị TP Thủ Đức cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của TP liên quan đến hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo hướng tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự.
“TP Thủ Đức cần đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền cho UBND các phường trong thực hiện nhiệm vụ theo luật định. Mạnh dạn đề xuất với TP các nội dung cần được phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho cơ sở để tạo điều kiện cho địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”- bà Nguyễn Thị Lệ nói và cho biết Sở Nội vụ đang tham mưu trình đề án phân cấp, ủy quyền và Chính phủ đang lấy ý kiến chuẩn bị ban hành nghị định mới về phân cấp để tạo điều kiện chủ động hơn cho địa phương.
Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng yêu cầu TP Thủ Đức thực hiện việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, cần chú trọng đến năng lực, phẩm chất đạo đức; xây dựng một số chính sách phù hợp để thu hút cán bộ, công chức, viên chức về công tác tại tuyến cơ sở; tập trung triển khai đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM...
Quan trọng nhất, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu TP Thủ Đức tập trung thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 của TP.HCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”; có bước đột phá trong CCHC, chuyển đổi số…
“TP Thủ Đức là địa phương thụ hưởng nhiều nội dung trong Nghị quyết 98. Vì vậy, TP Thủ Đức phải xác định rõ công việc nhiệm vụ để thực hiện, vấn đề phân cấp ủy quyền cụ thể ra sao để tăng tính chủ động cho địa phương” - bà Nguyễn Thị Lệ nói và lưu ý khi thực hiện các cơ chế theo Nghị quyết 98 cũng phải chú ý đến việc thực hiện Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị.
Dự kiến 161 vị trí việc làm tại UBND TP Thủ Đức
Thông tin về việc ban hành các quy định và thực hiện đề án vị trí việc làm, đại diện Phòng Nội vụ TP Thủ Đức cho hay đề án vị trí việc làm với các tổ chức hành chính đã cơ bản hoàn thành.
Tổng số vị trí việc làm dự kiến tại các tổ chức hành chính thuộc UBND TP Thủ Đức là 161 vị trí. Trong đó có 16 vị trí thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý, 129 thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, 10 vị trí thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn, sáu vị trí thuộc nhóm hỗ trợ dịch vụ.
UBND TP Thủ Đức cho biết sẽ trình phương án cho UBND TP.HCM sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ.