Chiều 17-5, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát với UBND TP Thủ Đức về việc thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC) về tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2022-2025.
Tại đây, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung dành sự quan tâm về tình hình sắp xếp số cấp dôi dư tại TP Thủ Đức kể từ khi thành lập đến nay.
Vẫn chưa sắp xếp xong số cấp phó dôi dư
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, cho biết khi mới thành lập, sáp nhập ba quận, địa phương có tổng 686 cán bộ công chức (CBCC) thuộc khối uỷ ban. Sau đó giảm còn 510 CBCC (giảm 170 so với trước khi thành lập)
Còn về số lượng cấp phó dôi dư sau sắp xếp, ông Hoàng Tùng nói đang nỗ lực sắp xếp số này tại các đơn vị để đảm bảo yêu cầu chung.
"Theo Nghị quyết 98 số cấp phó tại các phòng ban, đơn vị của TP Thủ Đức được tăng 1 so với các địa phương khác (tức bình quân không quá 3 người). TP Thủ Đức 16 phòng sẽ có tối đa 48 lãnh đạo"- ông Hoàng Tùng thông tin.
Hiện nay, TP Thủ Đức có 67 người là cấp phó, đang dư 19 người. Địa phương đã kiến nghị Sở Nội vụ quan tâm, luân chuyển, bố trí số cấp phó dôi dư đến làm việc tại các địa phương khác hoặc đơn vị có nhu cầu. Phòng Nội vụ TP Thủ Đức sẽ cũng sẽ cố gắng để sắp xếp trong khả năng của đơn vị.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và thực tế sử dụng biên chế được giao giai đoạn 2016 - 2021; khả năng đáp ứng khối lượng công việc hiện tại dự báo các nhiệm vụ phát sinh trong giai đoạn 2022 - 2026 xem xét về bố trí nhân sự cho TP Thủ Đức nhằm đảm bảo công tác chuyên môn của đơn vị được vận hành ổn định và đạt hiệu quả cao.
Nhiều thay đổi về bộ máy
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng báo cáo với đoàn giám sát nhiều nội dung về sắp xếp lại bộ máy và biên chế nhân sự cấp phường.
Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết của HĐND TP.HCM, HĐND TP Thủ Đức đã ban hành Nghị quyết về thành lập Phòng Giao thông công chính và Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức và Nghị quyết về tổ chức lại và đổi tên các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức.
Tính đến ngày 30-4-2024, số lượng các cơ quan, tổ chức hành chính trực thuộc TP Thủ Đức là 16 cơ quan, tổ chức; tăng 3 cơ quan so với năm 2022. Trong đó giữ nguyên 8 cơ quan chuyên môn; sắp xếp tổ chức lại và đổi tên 5 cơ quan chuyên môn; thành lập mới 2 cơ quan và 1 tổ chức hành chính khác.
Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP Thủ Đức là 171 đơn vị, tăng 3 đơn vị so với năm 2022. Trong đó: giáo dục và đào tạo có 161 đơn vị; giáo dục nghề nghiệp 02 đơn vị; khối sự nghiệp văn hóa, thể thao 02 đơn vị; sự nghiệp Y tế 1 đơn vị; sự nghiệp khác 5 đơn vị.
Căn cứ số lượng biên chế được giao, UBND TP Thủ Đức đã tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, tình hình sử dụng biên chế của từng cơ quan, đơn vị và thực hiện phân bổ biên chế công chức, viên chức và người lao động.
Số lượng cán bộ, công chức, người lao động có mặt tại các cơ quan chuyên môn tính đến ngày 30-4-2024 là 666 người (gồm 628 cán bộ, công chức và 38 người lao động).
Số biên chế đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là 7.660/9.030 người so với chỉ tiêu biên chế giao năm 2023.
Đến nay, Đề án vị trí việc làm của các tổ chức hành chính thuộc UBND TP Thủ Đức đã hoàn thành, đang chờ Sở Nội vụ thẩm định.
Dự kiến, tổng số vị trí việc làm của các tổ chức hành chính thuộc UBND TP Thủ Đức là 161 vị trí, bao gồm 16 vị trí thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý; 129 vị trí thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành; 10 vị trí thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; 6 vị trí thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, TP Thủ Đức đã phê duyệt đề án vị trí việc làm của 167 đơn vị, còn 4 đơn vị hiện đang tiến hành thẩm định (Trung tâm An sinh xã hội; Trung Tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư; Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật; Trung tâm Y tế).
Tính đến ngày 30-4-2024, UBND 34 phường sử dụng số lượng biên chế cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường là 1.175 người (trong đó, cán bộ 214; công chức 505, người hoạt động không chuyên trách phường: 456 người).