Cân nhắc lộ trình tăng giá vé xe buýt

Sở GTVT đang xây dựng lộ trình tăng giá vé xe buýt có trợ giá từ ngân sách trên cơ sở khung giá được UBND TP ban hành theo Quyết định 2184 ngày 29-4. Khung giá này có mức thấp nhất là 4.000 đồng và cao nhất là 10.000 đồng/lượt/hành khách.

“Tỉ lệ vàng” tránh sốc

Từ năm 2005, TP ban hành khung giá vé xe buýt với mức thấp nhất là 2.000 đồng và cao nhất là 5.000 đồng. Đến đầu năm 2011, giá vé xe buýt tăng “đụng trần” của khung này. Trong gần sáu năm, việc tăng giá vé hoàn toàn phụ thuộc hai yếu tố: tiền lương cơ bản và giá xăng dầu. Thông thường sau các đợt biến động của những yếu tố trên 3-6 tháng, giá vé xe buýt mới điều chỉnh tăng.

Theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT, do giá vé luôn tăng chậm nên mỗi lần có biến động là các doanh nghiệp xe buýt phải tự bù lỗ trong thời gian dài. Nhiều lái xe và phụ xe đã nghỉ việc vì không đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, sau mỗi lần tăng giá vé, hành khách thường bị “sốc” nên lượng khách đi xe luôn giảm 10%-20% so với trước.

Cân nhắc lộ trình tăng giá vé xe buýt ảnh 1

Khi giá vé tăng, chất lượng phục vụ của xe buýt phải tăng theo mới có thể thu hút được khách. Ảnh: LĐ

Theo ông Tính, từ những vấn đề trên, có thể xây dựng tỉ lệ (mang tính tương đối) tăng giá vé xe buýt khi giá xăng dầu, tiền lương tăng là 1-2. Ví dụ, khi tổng giá xăng dầu, tiền lương tăng 40% thì giá vé sẽ tăng 20% so với mức cũ. Tuy nhiên, Sở GTVT và các đơn vị xe buýt đang phải cân nhắc về thời điểm công bố, áp dụng mức tăng giá vé mới (theo cơ chế tự động tăng liền ngay sau khi giá xăng dầu tăng hay chờ một thời gian mới tăng?).

Giảm chi để hạn chế tăng giá vé

Trong trường hợp giá xăng dầu, tiền lương, phụ liệu, vật tư biến động liên tục, nhiều khả năng khung giá vé xe buýt mới sẽ bị “phá” chỉ sau 2-3 năm. “Nếu giá vé xe buýt sớm đạt “đỉnh” 10.000 đồng thì phải tính toán xem số tiền đi lại bằng xe buýt có chiếm trên 10% thu nhập của người dân không. Nếu số tiền này chiếm trên 10%-15% thì người dân sẽ tẩy chay xe buýt ngay” - ông Tính nói.

Để hạn chế tới mức thấp nhất việc tăng giá vé, một số biện pháp “tăng thu, giảm chi” sẽ được Sở GTVT và các đơn vị xe buýt áp dụng trong thời gian tới. Đó là tăng cường kiểm tra xử phạt việc gian lận vé, ăn gian lộ trình; lắp thiết bị hiện đại để chống thất thu vé; mở rộng hệ thống bán vé bán tự động… “Máy bán vé bán tự động sẽ giúp giảm được số lượng nhân viên bán vé. Như vậy đơn vị xe buýt sẽ giảm được rất nhiều chi phí tiền lương, bảo hiểm...” - ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc xe buýt Liên hiệp, cho biết.

Ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho rằng  Nhà nước cần tính toán cách trợ giá cho hợp lý hơn bằng cách chuyển từ trợ giá tính theo số Km hiện nay sang trợ giá theo đầu người. Phương án này sẽ giảm thiểu được tình trạng các xe chạy rỗng vẫn được trợ giá. Từ đây tạo động lực cho các doanh nghiệp vận doanh có hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách nhiều hơn.

Không thả nổi vé xe buýt không trợ giá

TP hiện có 146 tuyến xe buýt, trong đó có 111 tuyến được trợ giá từ ngân sách và chịu sự quản lý giá vé của Nhà nước. Riêng các tuyến không trợ giá, theo Quyết định 2148 nêu trên, các đơn vị vận tải thực hiện kê khai, niêm yết theo cơ chế thị trường. Hiện nhiều tuyến xe buýt không trợ giá có giá vé cao hơn tuyến có trợ giá cùng cự ly 1,5-3 lần. Trước đây, Sở GTVT có quy định giá vé xe buýt tuyến không trợ giá có cùng cự ly không được vượt quá tuyến có trợ giá 4-5 lần.

Nay vận hành theo cơ chế thị trường, liệu giá vé xe buýt không trợ giá có thả nổi, tăng tùy hứng? Theo ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Thắng, dù được quyền quyết định nhưng các đơn vị chạy tuyến xe buýt không trợ giá không thể đưa ra giá vé vượt quá xa với xe buýt có trợ giá vì khi đó khách sẽ từ chối đi xe.

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm