Chất thải nguy hại: Không xử lý thì… đổ bậy

“Phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng là sáu từ ngắn gọn về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại (CTNH) hiện nay” - Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, tại hội thảo phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý CTNH, tổ chức ngày 1-8.

Thải nhiều, xử lý ít

Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, việc quản lý CTNH ở địa phương còn nhiều hạn chế, thời gian qua nhiều vụ đổ bậy CTNH đã bị phát hiện. Nguyên nhân trước hết là năng lực xử lý CTNH hiện nay tại Đồng Nai không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo thống kê, năm 2010 địa phương đã thu gom, xử lý được hơn 5.600 tấn CTNH. Con số này chỉ đạt khoảng 14% so với tổng khối lượng phát sinh (trên 40.200 tấn/năm).

Thượng tá Nguyễn Đức Đáng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) TP Hải Phòng, thông tin các hoạt động thương mại, xuất nhập, đóng tàu… phát sinh CTNH rất lớn nhưng việc thu gom, xử lý đạt tỉ lệ rất thấp, 10%-15%. Tương tự, TP.HCM hiện cũng chỉ xử lý khoảng 30-50 tấn CTNH/ngày, trong khi khối lượng phát sinh khoảng 300 tấn/ngày (chưa kể còn khoảng hàng trăm tấn từ các địa phương khác chuyển về).

Theo thống kê của C49, hiện mỗi năm cả nước phát sinh hơn 1 triệu tấn CTNH nhưng khả năng xử lý chỉ đáp ứng khoảng 60%. Vậy lượng CTNH “thừa” đi đâu? Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho rằng một lượng lớn CTNH “thừa” ở tỉnh này đã được tẩu tán về các địa phương khác và không loại trừ chúng bị đổ bậy, chôn lấp trái phép. Đó cũng là thực tế đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành.

Chất thải nguy hại: Không xử lý thì… đổ bậy ảnh 1

Cơ quan chức năng lấy mẫu CTNH chôn lấp không đúng quy định ở bãi rác Đông Thạnh (TP.HCM). Ảnh: MP

“Trong năm 2010 và sáu tháng đầu năm 2011 có 30 vụ vi phạm liên quan đến CTNH. Điển hình như Công ty Tân Phát Tài tiếp nhận hơn 1.480 tấn CTNH không có trong giấy phép quản lý, “xử lý” trên 8.900 tấn CTNH bằng cách lưu giữ hoặc chôn lấp…” - Thượng tá Lương Đại Thủy, Phó Trưởng phòng PC49 Đồng Nai, cho biết.

Chưa xử hình sự vụ nào

Theo C49, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng đã được phát hiện. Điển hình Công ty TNHH Sông Xanh (Vũng Tàu) chôn lấp trái phép gần 4.650 m3 CTNH; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (TP.HCM) đổ thải trái phép 836 tấn bùn thải từ nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Công ty Sonadezi (Đồng Nai) lưu giữ trái phép 5.300 tấn CTNH, tàu Đức Minh 18 (Ninh Bình) vận chuyển trái phép gần 600 tấn bụi lò luyện kim ra cảng để xuất đi…

400.000 tấn chất thải nguy hại đã bị chôn lấp, đổ bậy ra môi trường mỗi năm.

Ở TP.HCM, Thượng tá Đặng Mạnh Liêu, Phó Trưởng phòng PC49, cho biết chỉ sáu tháng đầu năm 2011 đã phát hiện 21 vụ vi phạm (cả năm 2010 phát hiện 25 vụ). Trong đó, nổi cộm là tình trạng dùng xe ép rác thu gom CTNH đem đổ vào các trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt (Công ty Thuận Phát Đồng), dùng xe hút hầm cầu đổ CTNH lỏng ra cống, bán CTNH như phế liệu (Công ty Pou Yuen Việt Nam)… Theo ông Liêu, những vi phạm về xử lý CTNH tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm rất cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân nhưng hiện vẫn chưa có những giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Chưa hết, C49 còn cho hay hiện chỉ khoảng 10% số vụ vi phạm về CTNH bị phát hiện, xử lý. “Vì muốn giảm giá thành hoặc tăng lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã không khai báo, lập hợp đồng giả hoặc lén lút chôn lấp, đổ bậy CTNH. Tuy nhiên, đến nay chưa có một vụ nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa 500 triệu đồng” - Thượng tá Trần Quốc Tỏ, Phó Cục trưởng C49, thông tin.

Việc kiểm tra, xử phạt là nhằm chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế có trường hợp việc kiểm tra không có tính răn đe mà còn làm xáo trộn công tác quản lý, gây hoang mang cho doanh nghiệp. Nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật là chuyện phải làm nhưng cũng cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Ông ĐÀO ANH KIỆT, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Một số cán bộ tha hóa, biến chất tiếp tay cho vi phạm là một trong những nguyên nhân xảy ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý CTNH. C49 kêu gọi các doanh nghiệp phản ánh qua đường dây nóng, website… về những cảnh sát môi trường có dấu hiệu vi phạm. Người nào sai phạm sẽ bị kỷ luật, cách chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN LÝ, Cục trưởng C49

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm