'Chính phủ đã thống nhất chưa? Bao quát hết chưa?'

Sáng nay, 16-5, UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận về Dự luật sửa các quy định trong 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Tên đầy đủ của dự luật rất dài là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại luật hóa chất; luật điện lực; luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; luật phòng, chống tác hại thuốc lá; luật an toàn thực phẩm; luật dược; luật công chứng; luật trẻ em; luật đầu tư; luật đầu tư công; luật khoa học và công nghệ; luật xây dựng; luật quy hoạch đô thị”.

Chủ tịch Quốc hội góp ý rất nhiều về dự luật sửa 13 luật liên quan tới Luật Quy hoạch. Ảnh: CHÂN LUẬN

Có lẽ, đây là một dự luật có tên dài nhất từ trước tới nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giải thích, tuy tên dự luật dài nhưng cụ thể. Bởi liên quan tới Luật Quy hoạch, có tới 25 luật cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Sau khi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lần lượt trình bày dự thảo và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người đầu tiên đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội đề cập tới 38 điều về quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng và hỏi: “Chính phủ đã thống nhất chưa? Những vấn đề nóng thì có bàn bạc chưa? Sửa lần này thì đã sửa hết chưa, bao quát hết chưa?”.

Chủ tịch Quốc hội nhắc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về nguyên nhân nảy sinh Điều 27 trong Luật Quy hoạch: “Anh Dũng nhớ không, do các ý kiến khác nhau về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch có tính chất chuyên ngành, nên mới có quy định các quy hoạch ấy thì thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan. Có nghĩa là hồi đó không bỏ các quy hoạch đất đai, xây dựng”.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cách riêng là Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, các bộ khác cần tìm ra những điều chưa thống nhất.

Cùng với Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội khác như Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu… đều đưa ra những nhận định và câu hỏi về một số khái niệm trong dự luật như “quy hoạch vùng tỉnh”, “quy hoạch liên huyện…” và đề nghị Chính phủ cần làm rõ nội hàm các khái niệm này.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UB Thường vụ Quốc hội để Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trình bày rõ hơn.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nói bà cũng không hình dung được quy hoạch vùng tỉnh thì khối lượng nó lớn như thế nào. Ảnh: CHÂN LUẬN

Thứ trưởng Mỹ Linh cho rằng: Thực chất quy hoạch vùng tỉnh tồn tại nhiều năm, đó là quy hoạch xây dựng của một tỉnh, được thực hiện theo Luật Xây dựng từ 2003 về tổ chức không gian đặc thù, không gian phát triển đặc thù, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… của một tỉnh.

Thứ trưởng Mỹ Linh cũng lưu ý các nội dung về quy hoạch vùng tỉnh là rất lớn, cần phải nghiên cứu kỹ và nếu “tích hợp” trong những quy định về quy hoạch thì khó làm được.

“Khối lượng hàng 60-70 bản vẽ một quy hoạch. Nếu tích hợp thì không thể, tôi không hình dung được một quy hoạch vùng tỉnh thì nó lớn như thế nào” - Thứ trưởng Mỹ Linh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý UB Kinh tế của Quốc hội thẩm tra thật kỹ dự luật để tránh tình trạng các quy hoạch trùng dẫm lên nhau, gây khó khăn cho địa phương. Ảnh: CHÂN LUẬN

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển lưu ý: Nếu không làm rõ nội hàm những khái niệm này thì rất khó và đề nghị Chính phủ phải làm rõ.

“Nếu không làm rõ thì có thể các quy hoạch sẽ trùng dẫm lên nhau. Sợ làm thế này thì làm khó cho các tỉnh. Chúng ta hình dung sẽ rất nhiều quy hoạch tỉnh, vùng tỉnh chồng chéo lên nhau, gây khó khăn cho công tác quy hoạch”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói và đề nghị UB Kinh tế của Quốc hội phải thẩm tra thật kỹ vấn đề này.

“Nếu Luật Quy hoạch không có quy hoạch vùng tỉnh thì dứt khoát không đưa vào”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói.

Dự luật này sẽ được trình ra kỳ họp Quốc hội tới đây và Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Anh Dũng (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - PV) cần phải phối hợp với các bộ khác để chuẩn bị giải trình các vấn đề cho đại biểu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm