Sáng 9-12, UBND TP cũng đã chính thức trình đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với xe máy để HĐND TP xem xét thông qua. Theo đó mức thu hằng năm là: 50.000 đồng/xe loại có dung tích xy lanh ≤ 100 cm3, 100.000 đồng/xe loại có dung tích xy lanh 100-175 cm3, 150.000 đồng/xe loại dung tích xy lanh ≥ 175 cm3. Chủ phương tiện bắt đầu kê khai, nộp phí kể từ 1-1-2015 tại UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Riêng xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng, chủ phương tiện thuộc diện hộ nghèo, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được miễn nộp.
“Thật tình đang rất lúng túng”
Trong phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, liên quan đến đề án trên, các đại biểu còn tỏ thái độ băn khoăn và đề nghị hoãn việc thu phí thêm một năm nữa.
Đại biểu (ĐB) Lâm Thiếu Quân cho rằng: “TP.HCM có đến 20% xe máy từ các tỉnh tới, rồi lại thêm vấn đề xe không chính chủ. Điều này sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn khi thực hiện đề án trên. Mặc khác lại chưa có cơ chế xử phạt, nhân viên thuế với tài chính thì không có thời gian đâu mà đi kiểm tra, rồi sẽ tạo ra sự không công bằng vì người nộp, người không”. Theo ĐB Quân, nếu TP triển khai, bảo đảm sang năm khi đi tiếp xúc, cử tri nào cũng sẽ phàn nàn vấn đề này. “Tôi đề nghị TP hoãn việc thu phí thêm một năm nữa nếu không sẽ tự làm hại uy tín chúng ta” - ông Quân đề nghị và thông tin thêm các TP lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ sau hai năm thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đều chỉ đạt 30%-50%.
Đại biểu Lâm Thiếu Quân đề nghị hoãn thu phí xe máy một năm nữa. Ảnh: T.LÂM
Đồng tình với ý kiến của ĐB Quân, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết ngay từ khi nhận tờ trình đề nghị cho phép thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy của UBND TP bà đã cảm thấy băn khoăn về việc liệu có công bằng không khi không có chế tài, rồi liệu có sinh ra tiêu cực hay không. “Bây giờ phường, xã đang quá tải công việc. Hộ tích cực tự giác đi nộp thì tốt rồi nhưng còn hộ không chịu nộp thì sao?... Tôi băn khoăn lắm, dù TP là địa phương chậm triển khai việc thu phí nhất rồi. Nhưng khi thông qua rồi có làm được không? Nếu để xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng là cái hại rất lớn” - bà Tâm nói và cho biết “thật tình đang rất lúng túng” về vấn đề này.
“Thấy trước dở mà vẫn làm thì càng dở”
Trước ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết nhận thấy việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy có nhiều bất cập, UBND TP đã gửi văn bản báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, nghị định vẫn là nghị định, các cơ quan trung ương đã nêu đích danh “TP.HCM chậm thực hiện việc thu phí”. “Lý do hai năm nay UBND TP chưa trình HĐND là vì vậy. HĐND TP là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương nên các đại biểu cứ bàn thôi. Nhưng tôi xin báo tình hình nó là như thế” - ông Tín nói. Ông Tín cũng cho biết Công an TP cũng lắc đầu vì hiện không có quy định để xử lý.
Bà Tâm nói thêm luật là phải thực hiện nhưng vấn đề là phải thực hiện như thế nào. “Nhìn lại các tỉnh đang làm hiệu quả không cao… Làm mà dở nhiều hơn hay, thấy trước là dở mà vẫn làm thì càng dở. Dừng cũng dở mà làm cũng dở, suy xét coi cái nào dở ít hơn” - bà Tâm nói và đề nghị các ĐB tiếp tục suy nghĩ để có những ý kiến đóng góp tại buổi thảo luận chung tại hội trường.
Tình trạng ngập nước làm… mất vui Đại biểu Nguyễn Tấn Tài (quận 10) phản ánh TP hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng bà con cử tri không vui bởi tình hình ngập nước. “TP đã đổ nhiều tiền của, công sức nhưng mùa mưa năm nay ngập còn lan rộng hơn. Có nơi làm đường cao lên gần bằng cửa sổ nhà dân. Dân hỏi nếu nhà của quan chức mà bị như thế thì nghĩ sao, có chịu được không”. Đại biểu Lâm Đình Chiến ưu tư: “TP nỗ lực tăng trưởng kinh tế, tăng cường phòng, chống tội phạm ma túy, phạm pháp hình sự, giữ an ninh trật tự, kết quả thành tựu chung đạt được đại biểu thấy rất rõ, rất vui. Nhưng cái vui chưa được lan tỏa bởi tình hình dưới địa bàn còn vô vàn vướng mắc, khó khăn cụ thể chưa được giải quyết, nhất là ngập nước gây bức xúc nên người dân không vui vì những cái này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ”. Đại diện Trung tâm Chống ngập TP đã giãi bày: Do đỉnh triều lên đến 1,68 m mà khoảng 60% diện tích TP dưới 1,5 m nên một số nơi có ngập. Mục tiêu hệ thống thoát nước phải đạt cốt nền trên 2 m, nếu làm thấp hơn thì không kết nối với các hệ thống cống khác để thoát nước được nên một số tuyến đường bị nâng cao. TỐ NHƯ |