Muôn trùng khó cho người tố giác

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhấn mạnh cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin tố giác tham nhũng và xem đây là nội dung rất quan trọng để thúc đẩy người dân, cán bộ, công chức tố giác tham nhũng. Nhưng thực tế cho thấy có độ chênh lớn từ quy định của pháp luật đến thực tiễn bảo vệ nguồn tin tố giác tham nhũng.

Dân: Sợ rước họa vào thân

Điều 10 Luật PCTN quy định rất rõ rằng: Việc “đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng” là hành vi bị nghiêm cấm. Tinh thần chung của luật này và nghị định hướng dẫn cũng cho thấy tố giác tham nhũng là quyền và trách nhiệm công dân, quyền ấy được pháp luật bảo vệ. PGS-TS Bùi Đức Kháng, Học viện Chính trị-hành chính quốc gia TP.HCM, nhận xét: “Ở ta chẳng thiếu một cơ chế nào để bảo vệ người tố giác tham nhũng cả. Nhưng điều quan trọng là ta có làm và làm có đúng như luật định không thôi”.

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, chủ nhiệm đề án Nâng cao năng lực PCTN của các tổ chức xã hội và người dân, cũng nhìn nhận: “Cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng là không thiếu nhưng các cơ quan có trách nhiệm trong vấn đề này đã không thực hiện tốt. Một khi người dân không thấy mình được bảo vệ thì dẫn tới việc họ thờ ơ với tố giác tội phạm tham nhũng. Người dân biết nhưng họ không nói nữa, họ sợ mang họa vào thân”.

Muôn trùng khó cho người tố giác ảnh 1

Ông Lê Xuân Mậu, cán bộ Tổng công ty  dâu tằm tơ Lâm Ðồng báo cáo thành tích chống tham nhũng tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Cán bộ: Dại gì thành “kẻ phá rối”

Tham nhũng là một loại tội phạm tiềm ẩn và rất khó phát hiện. Việc tự phát hiện của các cơ quan, đơn vị càng khó hơn nhiều. Theo TS Lê Văn In, chuyên gia hành chính, cán bộ không ai là không biết và không nhận dạng được tham nhũng nếu nó xảy ra ở cơ quan mình. “Nhưng tham nhũng trong cơ quan thì chỉ người có chức, có quyền mới thực hiện được. Khốn nỗi, “cái đầu mối” để thông tin tố giác lại chính là những người đứng đầu cơ quan (thủ trưởng cơ quan, lãnh đạo chi bộ). Trong cơ quan có lực lượng thanh tra nhân dân nhưng “ông” này muốn thanh tra gì thì cũng cần có sự đồng ý của lãnh đạo. Giờ đặt vấn đề người lãnh đạo có tham nhũng hoặc liên quan đến đối tượng tham nhũng thì làm sao tố đây?” - ông In phân tích.

Ông In bổ sung: “Cứ nhìn những cán bộ đã từng tố cáo tham nhũng mà xem. Họ chịu gánh nặng tâm lý rất lớn. Trong cơ quan gần như xem họ là “người phá rối” đoàn kết nội bộ. Họ phải chịu sự lạnh nhạt trong quan hệ công việc, chịu nhiều lời ra tiếng vào, thậm chí, trù dập, trả thù. Có người ủng hộ thì cũng chỉ “nói cho nhau nghe” chứ có ai dám ủng hộ công khai… Chính vì thế sẽ như đâm đầu vào tường nếu tố giác tham nhũng trong chính cơ quan mình” - ông In kết luận.

Ngồi chơi xơi nước

“Lúc tố cáo tham nhũng của cấp trên, tôi cũng từng bị “ngồi chơi xơi nước” trong một thời gian. Tôi cũng từng bị nhiều người khác chỉ trích kiện tụng để phá hoại đoàn kết nội bộ cơ quan. Rất may là sự vụ đã được các cơ quan trung ương quan tâm giải quyết đến cùng.”

Ông Lê Xuân Mậu, cán bộ Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị tuyên dương các cá nhân có thành tích trong PCTN tổ chức tại TP.HCM ngày 4-6-2009

Hình thức trả thù tinh vi lắm!

“Người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, do vậy hình thức trả thù cũng rất tinh vi. Vì vậy, người tố giác luôn bị đe dọa về thân thể, bị phân biệt đối xử, bị vu khống là làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ.

Hiện nay có rất nhiều quy định nhưng lại chưa thực sự bảo đảm an toàn cho người tố giác. Phải tìm mọi cách để bảo vệ an toàn cho họ thì mới nâng cao được hiệu quả PCTN.”

Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, phát biểu tại Hội nghị tuyên dương gương chống tham nhũng ngày 15-12-2009

MINH CƯỜNG

Bài 3: Có nên xem xét đơn thư nặc danh?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm