Nên cho phép trọng tài giải quyết tranh chấp dân sự?

Dự luật đề xuất hai phương án: phương án một, thẩm quyền trọng tài giới hạn ở các tranh chấp từ hoạt động thương mại và có mở rộng thêm một số trường hợp khác. Phương án hai, bao gồm tất cả tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự.

Đa số ý kiến tán thành phương án đầu tiên. Nằm ở nhóm ý kiến thiểu số, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng nếu lựa chọn phương án một thì nhà nước đã loại bỏ một phương thức giải quyết tranh chấp rất có hiệu quả của các bên. Ông Lộc phân tích: “Trên thực tế, nhiều tranh chấp dân sự có thể giải quyết bằng trọng tài và các bên đều mong muốn đưa ra trọng tài, do thủ tục đơn giản, linh hoạt, nhanh chóng và rất quan trọng là bí mật. Hơn nữa, việc phân biệt các vụ tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh thương mại là rất khó khăn”.

Về quy định của dự luật cho phép hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, thiểu số ý kiến phản đối cho rằng không thể gắn cho trọng tài một quyền cưỡng chế nhà nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói đây là biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề tranh chấp khi đưa ra trọng tài.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm