Nhà, đất: Chỉ cần một giấy!

Dành trọn cả ngày hôm qua (6-11) để thảo luận về việc cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà, đất, Quốc hội đã thống nhất được một số giải pháp nhằm chấm dứt câu chuyện “giấy đỏ”, “giấy hồng” từng làm nhiều người dân đau đầu.

TP.HCM: Chỉ cấp được một nửa giấy chứng nhận

Chuẩn bị rất kỹ số liệu cho bài phát biểu, đại biểu Đặng Huyền Thái nêu rõ: “Trong số GCN đã cấp, còn hơn 65.000 giấy dân chưa đến nhận. Lý do: nhiều hộ gia đình không đủ khả năng nộp lệ phí trước bạ theo giá đất mới cao hơn 8-15 lần giá đất năm 2004”.

Đại biểu Đặng Huyền Thái cho rằng lệ phí trước bạ là nguyên nhân chính làm cho Hà Nội “ế” 6,5 vạn “giấy đỏ”.

Bà Thái cũng chỉ ra sự bất hợp lý của Nghị định 61 năm 1994: “Hà Nội có hơn 20.000 hộ gia đình nằm trong diện được phân phối nhà trước đây. Vì nhà cấp bốn đã cũ nát, hư hỏng nặng, không có kinh phí sửa chữa nên nhiều cơ quan đã cho các hộ phá đi, tự bỏ tiền xây dựng và ở ổn định từ trước năm 1993. Đến khi cấp GCN, chính quyền lại áp dụng Nghị định 61 để bán nhà cho người đang thuê và buộc người dân phải nộp 40% tiền sử dụng đất”. Theo bà Thái, giải quyết như vậy là bất hợp lý và không công bằng. Vì Luật Đất đai 2003 và Nghị định 84 đều quy định đất sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất khi xin cấp “giấy đỏ”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu: “Mặc dù chính quyền rất quyết tâm, tháng nào cũng họp và đưa ra chỉ tiêu nhưng đến ngày 30-9, TP.HCM cũng chỉ cấp được 46,8% số GCN. Nỗ lực ghê gớm nhưng không tiến lên được, tại sao?”. Rồi ông Lịch tự trả lời: “Thứ nhất, do quy hoạch. Muốn cấp GCN thì phải có quy hoạch chi tiết. Nhưng hiện nay chỗ này dân muốn xây nhà nhưng quy hoạch chưa xong; chỗ khác lại xây nhà để chờ quy hoạch, chưa kể đến việc tự ý vi phạm quy hoạch, quy hoạch “treo”... Thứ hai, Luật Nhà ở ra đời đã “ngáng đường” việc cấp một loại giấy là “giấy đỏ” theo Luật Đất đai khiến người dân không biết đường nào mà lần”.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), chuyện về “giấy đỏ”, “giấy hồng” gây nhiều bức xúc cho các cư dân ở đô thị. Ông Thanh nêu kinh nghiệm của Đà Nẵng: “Đà Nẵng không làm “giấy đỏ” để rồi chờ. Anh đủ điều kiện thì tôi cấp giấy, anh chưa đủ điều kiện thì... cấp “giấy trắng”, tức là giấy cấp tạm thời để dễ quản lý. Còn khi nào anh đủ tiền, làm đủ nghĩa vụ thì đem “giấy trắng” đi đổi “giấy đỏ”, không có chuyện làm sẵn “giấy đỏ” rồi để đó”.

Lấy đất làm gốc

Ông Thanh không hài lòng: Theo khoản 1 Điều 48 Luật Đất đai, trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên GCN quyền sử dụng đất; chủ sở hữu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký bất động sản. Nhà cửa người ta bỏ tiền ra làm, nhà nước chỉ “ghi nhận” mà không công nhận quyền sở hữu của họ thì vô lý đến cỡ nào? Lúc đầu Luật Đất đai nói là “giấy đỏ”, đến Luật Nhà ở lại đẻ thêm “giấy hồng”. Cũng từ đây hai ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng tranh luận triền miên chuyện một giấy hay hai giấy, thêm tư pháp đòi giấy xanh đâm... rối”.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Du Lịch phân tích thêm: “Việc cấp GCN đối với đất ở là cơ sở để xác lập quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở. Nếu anh xây nhà đúng quy định (quy hoạch, xây dựng) thì đương nhiên nhà nước phải bảo hộ quyền sở hữu đó vì đây là quyền dân sự. Nhà là động, đất là tĩnh, nhà nước phải quản lý dựa trên việc xác lập quyền sử dụng đất và bảo hộ những tài sản phát sinh trên đất”.

Ông Lịch kiến nghị Quốc hội sớm ra nghị quyết về việc gộp các “giấy đỏ”, “giấy hồng” thành một loại giấy. Ngoài ra, Quốc hội cần ban hành Luật Quy hoạch, sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở... sao cho hợp lý hơn. Ý kiến này của ông Lịch cũng là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh còn nêu một “kinh nghiệm Singapore” (nhận xét của tiến sĩ Trần Du Lịch - NV) trong giải phóng mặt bằng: “Thứ nhất, ở Đà Nẵng không có chuyện đền bù theo giá thị trường ảo. Giá thị trường thực phải là trong điều kiện bình thường chứ không phải trong điều kiện nhà nước bỏ vào 500-700 tỷ đồng đầu tư công trình rồi gọi đó là giá thị trường. Thứ hai, không để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân, nhà nước đứng ra làm hết. Thứ ba, không đổi đất lấy hạ tầng. Nhà nước đứng ra thống nhất khai thác quỹ đất, tạo vốn từ quỹ đất. Thứ tư, khi mở đường sẽ lấy đất hai bên đường khai thác, có kinh phí làm đường. Không có chuyện ở tận hẻm, ngủ một đêm đến sáng ra mặt tiền kiếm lợi hàng tỷ đồng. Như vậy là bất công!”.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm