Phê chuẩn Luật Biển 1982

Lê Văn Nam, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM hỏi:

. Sao Luật Biển quốc tế đã được ký kết rồi mà còn phải được Quốc hội phê chuẩn mới có giá trị? Vậy Quốc hội lớn hơn quốc tế sao? Nước nào cũng phải làm vậy hay chỉ đối với Việt Nam và chỉ áp dụng cho luật biển thôi?

+ Theo Công ước Viên (Vienne) về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, sau khi đàm phán và ký kết điều ước quốc tế rồi, điều ước ấy cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn để chính thức xác nhận là điều ước có hiệu lực đối với nước mình. Cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn do luật quốc gia quy định. Đối với từng quốc gia, thẩm quyền phê chuẩn điều ước quốc tế thường được quy định trong hiến pháp.

Ở nước ta, đối với những điều ước quan trọng đều thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội. Điều 103 Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định: Chủ tịch nước có quyền “quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định” (khoản 10). Luật Ký kết, tham gia và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14-6-2005 cũng nêu rõ: “Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế do chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu nhà nước khác; phê chuẩn các điều ước quốc tế khác theo đề nghị của chủ tịch nước” (khoản 1 Điều 32).

Điều 306 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng nêu rõ: “Công ước phải được các quốc gia và các thực thể khác (...) phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn và xác nhận chính thức được lưu chiểu bên cạnh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc”.

Thực tế Công ước về Luật Biển năm 1982 đã được đại diện của 119 quốc gia ký kết ngày 10-12-1982 và Quốc hội nước ta phê chuẩn ngày 23-6-1994 (Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn vào ngày 23-6-1994 và nộp lưu chiểu Liên Hiệp Quốc ngày 25-7-1994). Đến nay công ước này đã có hơn 130 nước trên thế giới phê chuẩn.

Hiệu lực của Luật Biển

Sinh viên Trần Khánh Thể, Đại học Kinh tế TP.HCM:

. Tại sao Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được các nước ký kết từ ngày 10-12-1982 mà mãi tới hơn 10 năm sau công ước ấy mới có hiệu lực? Có trở ngại gì không?

+ Việc ra đời của Công ước về Luật Biển 1982 đã trải qua một thời gian dài hàng mấy chục năm tranh cãi gay go giữa các nước, các nhóm nước có quyền lợi mâu thuẫn nhau. Cuối cùng công ước này cũng đã được 117 quốc gia và hai thực thể chưa có quy chế quốc gia độc lập ký kết tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10-12-1982.

Điều 308 Công ước Luật Biển quy định: “Công ước có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày gửi lưu chiểu văn bản phê chuẩn hay tham gia thứ 60”. Trong thực tế, ngày 16-11-1993, Guyana là quốc gia thứ 60 phê chuẩn và nộp lưu chiểu công ước. Do đó công ước này có hiệu lực từ ngày 16-11-1994. Việt Nam là quốc gia thứ 64 phê chuẩn công ước.

Như vậy thời gian kéo dài chỉ là do thủ tục, mà thủ tục của các nước liên quan đến vấn đề phức tạp này dĩ nhiên là phải... kéo dài!

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm