Từ 2013, chấm điểm, xếp hạng cải cách hành chính

Ngày 17-12, Bộ Nội vụ công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Đây là lần đầu tiên sau 12 năm kể từ khi triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC), Chính phủ có công cụ mang tính quốc gia để đánh giá, chấm điểm, xếp hạng về mặt CCHC giữa từng bộ, ngành ở trung ương và từng tỉnh, thành với nhau.

Việc đánh giá này sẽ được thực hiện hằng năm, bắt đầu từ 2013, một cách bài bản như hai bộ chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tiến hành), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (do MTTQ VN thực hiện).

PAR Index sẽ tác động thế nào tới CCHC - công tác được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là “khó vì đụng chạm tới tiêu cực, bộ máy, biên chế”, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ.

Thúc đẩy CCHC hiệu quả

. PV: Thưa ông, hằng năm việc chấm điểm, xếp hạng bộ máy nhà nước sẽ được thể hiện qua ba chỉ số: PAR Index, PAPI, PCI. Vậy sự khác nhau giữa các công cụ này là gì, chúng hỗ trợ cho nhau như thế nào?

Từ 2013, chấm điểm, xếp hạng cải cách hành chính ảnh 1
+ TS Đinh Duy Hòa: Ba công cụ này có những điểm giống nhau nhưng về cơ bản là độc lập với nhau. Mục đích của PCI là nhằm đánh giá dưới con mắt doanh nghiệp về môi trường đầu tư của các tỉnh, thành. Cái gốc của PAPI là bám vào đánh giá thực thi dân chủ cơ sở, mức độ đảm bảo sự tham gia của người dân vào công việc chung, trên cơ sở cảm nhận của người dân về quản trị và hành chính của bộ máy nhà nước. Còn PAR Index là để đánh giá về mặt CCHC của các bộ, ngành ở trung ương và các tỉnh, thành.

Về sự gắn kết thì cả PCI, PAPI cũng có những phân tích, đánh giá CCHC, chẳng hạn về thủ tục, thời gian thực hiện các thủ tục… giao thoa một phần với PAR Index. Như thế, có thể tỉnh này được điểm tốt về mặt CCHC trong mảng dân chủ cơ sở nhưng chưa chắc đã được đánh giá cao trong tổng thể về CCHC.

Dự kiến việc đánh giá PAR Index sẽ được triển khai ngay để công bố lần đầu vào tháng 5-2013. Lúc ấy, chúng tôi sẽ khớp nối với hai chỉ số kia để xem thực tế có vênh nhau nhiều không.

. Các tỉnh muốn thu hút đầu tư thì phải cố sửa mình để đạt PCI cao. Vậy PAR Index sẽ tạo động lực gì thúc đẩy các bộ, các tỉnh CCHC?

+ Tâm lý ông bộ trưởng, chủ tịch, bí thư nào chả muốn được đánh giá tốt. Chẳng hạn, nếu kết quả công bố Bộ Nội vụ - quản lý nhà nước về CCHC mà thứ hạng thấp thì Bộ Nội vụ phải sốt ruột chứ. Nhưng quan trọng hơn, bộ công cụ này giúp cho lãnh đạo thấy được lĩnh vực, nội dung nào của CCHC của mình còn yếu kém. Chứ cứ kêu gọi, nhắc nhở CCHC chung chung thì… biết uống thuốc gì cho khỏi!

Còn với những người trực tiếp theo dõi công tác CCHC như chúng tôi, thay vì cảm nhận chủ quan, giờ có công cụ để đánh giá nơi này, nơi kia làm tốt hay chưa tốt, thay đổi qua các năm thế nào. Chứ trước đây, có lúc lên danh sách khen thưởng, thấy có ứng viên mình chưa ưng lắm nhưng chẳng thể phản đối được.

Từ 2013, chấm điểm, xếp hạng cải cách hành chính ảnh 2

Lễ công bố chỉ số cải cách hành chính đã được tổ chức sáng qua 17-12. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Không thể giao tư nhân làm

. CCHC vốn được coi là khó, vậy làm sao đánh giá, chấm điểm, xếp hạng được chính xác, khách quan?

+ Bộ Nội vụ đã có ba-rem điểm cho từng tiêu chí, lĩnh vực được đánh giá. Cách làm thì trước hết từng bộ, tỉnh tự chấm. Bộ Nội vụ sẽ đánh giá lại việc tự chấm này. Ngoài ra, có thêm một kênh nữa là dựa trên kết quả điều tra xã hội học. Phần này rất quan trọng, nó thể hiện đánh giá từ bên ngoài, chiếm 40/100 điểm với CCHC ở bộ, ngành và 38/100 với các tỉnh, thành. Ngoài ra, để thêm phần khách quan, sẽ có hội đồng với sự tham gia của các bộ, ngành theo dõi các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước đánh giá lần cuối.

Tinh thần là khách quan, chính xác nhưng những năm đầu, PAR Index sẽ không tránh khỏi vấp váp, vướng mắc cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện.

. Ở các nước, việc chấm điểm, xếp hạng chính quyền thường do khu vực tư nhân tiến hành, công bố. PAPI hay PCI ở ta cũng gần như vậy. Tại sao PAR Index không theo đó mà làm?

+ Chúng tôi cũng muốn như thế. Lên bộ tiêu chí, ba-rem chấm, bộ câu hỏi rồi xem bên ngoài ai đấu thầu được thì làm. Nhưng đặc thù ở ta, đánh giá CCHC thì tư nhân rất khó đảm nhận, một phần họ khó tiếp xúc với cơ quan công quyền, mặt khác hành chính nhà nước là lĩnh vực phức tạp, người ngoài bộ máy không hiểu sâu, khó làm được. Vì vậy, chúng tôi dự kiến ban đầu sẽ để Viện Khoa học tổ chức - Bộ Nội vụ làm. Ngay việc xây dựng bộ chỉ số cơ sở này, Bộ Nội vụ từng thuê một công ty bên ngoài nhưng kết quả không ổn nên phải bỏ để tự làm.

Quá trình triển khai sẽ hoàn thiện dần dần. Chẳng hạn, Hàn Quốc lập hội đồng gồm cả đại diện công quyền và nhiều chuyên gia độc lập bên ngoài để chấm điểm CCHC, ta có thể tham khảo.

. Xin cảm ơn ông.

Sẽ có công cụ đánh giá sự hài lòng của người dân

PAR Index cấp bộ và cấp tỉnh được xây dựng trên cơ sở theo dõi, chấm điểm sáu mặt, lĩnh vực, nội dung giống nhau, gồm: công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC; cải cách về thủ tục hành chính; cải cách về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công viên chức; đổi mới cơ chế tài chính với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính.

Ngoài ra, PAR Index cấp bộ phải đánh giá thêm một nội dung công tác xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ. PAR Index cấp tỉnh phải có đánh giá thêm hai nội dung về xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Ngoài công cụ CCHC đã hoàn thiện, công bố, Bộ Nội vụ đang xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân với hành chính phục vụ. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục cũng đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế, giáo dục. Thanh tra Chính phủ đang xây dựng bộ công cụ đánh giá về phòng, chống tham nhũng. Bộ Tư pháp cũng có ý tưởng nghiên cứu một công cụ đánh giá công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực thi pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm