Vì sao phải bầu lãnh đạo Nhà nước ngay tại kỳ họp này?

Từ ngày 30-3 đến 12-4, Quốc hội (QH) sẽ tiến hành bầu nhân sự lãnh đạo cấp cao: chủ tịch QH, chủ tịch nước và thủ tướng Chính phủ. Bên hành lang QH ngày 30-3, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

. QH bắt đầu dành thời gian bàn đến công tác nhân sự lãnh đạo cấp cao. Quy trình bầu nhân sự lần này khác gì so với những lần trước, thưa ông?

+ ĐBQH Dương Trung Quốc: Lần bầu nhân sự chức danh nhà nước cao cấp trong nhiệm kỳ QH này có khác so với thông lệ. Thông thường các chức danh này được bầu cho một nhiệm kỳ mới và do một nhiệm kỳ QH mới.

Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều lần có sự thay đổi nhân sự, trước hết là do kết quả của những quyết định trong tổ chức Đảng. Ví dụ như thời kỳ Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh sang làm tổng bí thư và chuyển giao cho ông Nguyễn Văn An làm chủ tịch QH. Trong những trường hợp ấy tương đối đơn giản hơn bởi vì các đồng chí ấy vẫn ở cương vị ủy viên Bộ Chính trị.

Tuy nhiên lần này, sau Đại hội Đảng 12, ba trong bốn chức danh “tứ trụ” không tham gia Bộ Chính trị nữa. Nếu kéo dài tình trạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị của ta.

ĐB Dương Trung Quốc: "Mong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân".

Việc bầu như mọi quy trình khác, bảo đảm sự giám sát của QH trong việc đánh giá các nhân sự tương xứng với những chức năng được Hiến pháp quy định, cũng như những chuẩn mực tiêu chuẩn.

Thưa ông, vừa qua Trung ương Đảng giới thiệu bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch QH vào vị trí chủ tịch QH. Nếu được QH bầu, lần đầu tiên QH Việt Nam có một nữ chủ tịch QH? Liệu đây là luồng gió mới?

+ Tôi cho đây là dấu ấn đầu tiên, là tiền lệ tích cực và đáng mừng. Còn dấu ấn đầu tiên đó có tạo ra bước ngoặt hay không thì phải để thời gian trả lời. Nhưng tôi lưu ý rằng nếu nhìn ra thế giới thì từ lâu các nước đã có những nữ thủ tướng, nữ tổng thống, nữ chủ tịch QH rồi nữ bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Chúng ta vui mừng có yếu tố mới, song cũng đừng coi đó là điều gì đó quá đặc biệt.

. Nếu là nữ chủ tịch QH lãnh đạo, ông có kỳ vọng nhiệm kỳ tới QH sẽ trả được những “món nợ với dân”?

+ Đương nhiên, nói món nợ QH với dân là thể hiện trách nhiệm và đòi hỏi không chỉ những người lãnh đạo QH mà còn ở mỗi cá nhân ĐBQH phải phấn đấu nữa. Tuy nhiên, phấn đấu gì, thể hiện trách nhiệm gì thì cũng phải có cơ chế và môi trường hoạt động.

14 năm làm ĐBQH nhưng tôi cũng chưa đi hết, tiếp xúc hết được với những cử tri đã tin tưởng bầu mình. Một năm cũng chỉ có cơ hội tiếp xúc cử tri tại địa phương mình ứng cử bốn lần, hoặc cùng lắm là sáu lần. Đây là hạn chế và hạn chế này phải từng bước làm thay đổi, trong đó phải hướng tới thông lệ quốc tế.

Theo tôi, có hai yếu tố là cơ chế và con người. Cơ chế nào cũng thông qua con người thực hiện. Đối với tồn tại cần khắc phục, nếu ta phân tích cho cùng tất cả tồn tại có nguyên nhân gì thì một trong những nguyên nhân căn bản là tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ kể cả trong cơ chế và con người.

Mong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân. Mỗi vị cán bộ ở cương vị của mình, đặc biệt cương vị cao cấp thể hiện trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm ấy thể hiện anh thực hiện hết quyền năng của mình được luật quy định... 

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm