Chủ tịch Quốc hội: Chậm là yếu kém, sai càng nguy hiểm!

Chủ tịch Quốc hội: Chậm là yếu kém, sai càng nguy hiểm! ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề tồn tại khiếm khuyết.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tư pháp sáng 12/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trả lời đầy đủ, rõ ràng nhưng về trách nhiệm có phần nào còn lúng túng, chưa thật sự thẳng thắn. “Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội càng thấy rằng, càng lo lắng rằng hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề tồn tại”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng công tác xây dựng chương trình làm luật, công tác tổ chức thực hiện xây dựng pháp luật và công tác triển khai thực hiện pháp luật từ các cơ quan nhà nước đến toàn bộ hệ thống chính trị, tới người dân còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết.

“Ngay trong luật, nghị định, thông tư của chúng ta cũng còn nhiều sai sót. Chỉ kiểm tra văn bản chậm thì thấy rất xót ruột, rất đáng lo lắng, có luật mà không có nghị định, có nghị định mà chưa có thông tư đối với những điều luật giao làm sao thi hành?

Vừa chậm, vừa sai mà nếu sai rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và của doanh nghiệp. Đây là một thiếu sót, một yếu kém, chậm đã là một yếu kém, sai lại càng yếu kém. 312/1500 văn bản là tỷ lệ khá cao. Đây chỉ mới xem cấp bộ, chưa xem hết đến xã, huyện, tỉnh. Tôi cho là cũng khá nghiêm trọng, khá nguy hiểm” – Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác xây dựng, ban hành văn bản, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện pháp luật đáng lo lắng, còn nhiều yếu kém làm cho hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước hạn chế. Vì vậy, trước hết Quốc hội phải có trách nhiệm. Thứ hai là các cơ quan, nhất là cơ quan của Quốc hội mà người "chịu trận" lớn nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Tập thể Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: "Đã có được một "luật mẹ" mới, đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, đấy là Hiến pháp, bây giờ chúng ta phải tổ chức thi hành". 

Cuối năm nay Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện 3 nghị quyết 20, 37, 67 Quốc hội đã ban hành. Tôi đề nghị chúng ta thực hiện nghiêm túc việc này. Chúng ta sẽ kiểm lại một lần nữa vào cuối năm sau, hết nhiệm kỳ kiểm lại một lần nữa để phục vụ cho đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ này.

Việc thứ ba, phải thực hiện 2 trọng tâm: Triển khai thực hiện Hiến pháp và từng luật cụ thể. Bên cạnh đó cần khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những khuyết điểm, yếu kém trong tổ chức hướng dẫn và triển khai thi hành pháp luật".

Liên quan tới việc thi hành án dân sự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tích cực tiếp thu ý kiến của Quốc hội để sửa đổi Luật thi hành án dân sự, trong đó có những vấn đề liên quan đến các hệ thống pháp luật khác. Làm sao để công tác thi hành án dân sự thật sự khả thi.

Theo Thành Nam/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm