‘Có 1 đồng lợi nhuận, mất 1,2 đồng bôi trơn’

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói như thế tại hội thảo “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15-2.

Phải bỏ “biên chế suốt đời”

Liên quan đến vấn đề phân định trách nhiệm tập thể, cá nhân cho rõ ràng, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc cần khắc phục là phải quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. “Có chủ tịch tỉnh nói với tôi: Những gì em hiểu, em chịu trách nhiệm được thì em quyết. Còn những gì không quyết được thì em đưa ra tập thể đảng ủy. Để nếu có sai sót gì thì em nói đó là do tập thể” - TS Doanh kể.

Trích lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rằng: “Ăn của dân không từ thứ gì”, TS Doanh nói: “Hội nghị Trung ương 5 tới đây phải bàn kỹ và tìm ra ai ăn, ăn cái gì và ăn như thế nào”.

Đồng tình và đề cập đến những câu chuyện của doanh nghiệp (DN), chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay: DN hiện nay thường tìm quan hệ với cán bộ Nhà nước để hình thành lợi ích nhóm, tận dụng quan hệ thân hữu. Bà Phạm Chi Lan dẫn ý kiến của DN và cho biết: “DN để có 1 đồng lợi nhuận thì mất tới 1,2 đồng bôi trơn”.

Sau khi đề xuất những ý kiến về cải cách thể chế và bộ máy, bà Phạm Chi Lan nêu cụ thể: “Trừ những người làm nhiệm vụ chính trị, tôi đề xuất nên ký hợp đồng với những cán bộ, công chức chứ không nên áp dụng chính sách biên chế suốt đời. Áp dụng điều này sẽ khắc phục được tuyển dụng không đúng, chạy chức hay tuyển dụng theo kiểu “đồng chí này là con đồng chí nào”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đồng tình khi bà cho rằng: Chế độ tuyển dụng thông qua bằng cấp hiện nay cần phải xem xét lại.

“Một cô giáo nói với tôi: Bây giờ nói tuyển giáo viên phải có bằng B tiếng Anh. Người ta “chạy” vèo một cái là được ngay. Vậy tuyển thông qua bằng cấp có ổn không?” - bà Doan nói.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: “Doanh nghiệp để có 1 đồng lợi nhuận thì mất tới 1,2 đồng bôi trơn”. Ảnh: C.LUẬN

Phải chặn lợi ích nhóm luồn vào chính sách

Bà Doan dẫn ra câu chuyện xây dựng Luật Quy hoạch để nói về việc nâng cao năng lực lập pháp mà theo cách gọi của bà là xây dựng “luật chơi” trong kinh tế thị trường.

“Mới đây, khi họp về Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phải nói với các thành viên Chính phủ khác rằng: “Tại sao khi họp Chính phủ các anh đồng ý mà giờ ra đây các anh lại bảo vệ theo cách của các anh?”. Đây là ví dụ cho thấy việc xây dựng pháp luật phần nào đó có lợi ích nhóm để dễ quản lý, dễ xây dựng” - bà Doan nói.

Vấn đề thứ hai bà Doan đề cập là việc giao cho các bộ chuyên ngành xây dựng luật. “Phải đổi mới đi, không thể giao cho các bộ chuyên ngành trong bối cảnh thế này. Quốc hội làm luật nhưng hiện nay Quốc hội có đủ năng lực làm luật không? Đây là câu hỏi cần được đặt ra” - bà Doan đặt vấn đề và khẳng định cần phải nâng cao năng lực làm luật bằng cả thực tiễn và lý luận.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói: “Cái chính là chúng ta phân định vai trò của thị trường và Nhà nước. Nhà nước kiến tạo sân chơi, khung pháp lý chứ không phải can thiệp quá nhiều vào thị trường. Liệu ta có làm theo nguyên lý ở đâu có hiệu quả nhất thì được giao đất đai, tài nguyên không? Cái này Nghị quyết ĐH 12 đã nói rồi. Không cần bàn cãi!” - ông Vinh khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy