“Việc đưa hối lộ với những người có chức có quyền tức là những người ở khu vực tư nhân hối lộ cho quan chức để thúc đẩy các dự án… được xem là có tội”. Đại diện Thanh tra Chính phủ đặt vấn đề tại buổi tham vấn về thực trạng pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh diễn ra vào ngày 30-9 tại Hà Nội, do Thanh tra Chính phủ tổ chức.
Vị này cũng cho rằng chống tham nhũng trong kinh doanh, đặc biệt là khu vực ngoài Nhà nước để bảo vệ môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp (DN), hạn chế những khoản “lót tay” hoặc “đi đêm” với quan chức.
Không “lót tay”, dự án khó chạy
Ông David John, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Austfeed Việt Nam, đến từ Úc, cho hay hiện nay nếu DN không “lót tay” thì khó có thể triển khai dự án. “Đối với chúng tôi đó là các khoản “tiếp khách” rất khó thống kê được cụ thể. Vì vậy, tôi đề nghị Việt Nam cần quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật Phòng, chống tham nhũng để xử lý tham nhũng. Ngoài ra, các hành vi tham nhũng cần được sớm công khai toàn bộ và trên cơ sở minh bạch sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tốt hơn tại Việt Nam” - ông David John nói.
Bà Roessner, Giám đốc điều hành Euro Cham tại Việt Nam (đại diện cho 900 công ty nhỏ và vừa, đa quốc gia, châu Âu có đầu tư vào Việt Nam), phản ánh để triển khai giấy phép xuất nhập khẩu, thúc đẩy dự án… các thành viên của tổ chức này phải có các khoản “lót tay”. “Vài ngày trước khi diễn ra hội thảo này, chúng tôi có một khảo sát và cho thấy hầu hết DN hoặc chủ động hoặc bị động đưa hối lộ. Trong số này có khoảng 30% không chấp nhận hối lộ khoản “lót tay”” - bà Roessner dẫn chứng.
TS Đinh Văn Minh cho rằng chống tham nhũng ở khu vực công lẫn tư sẽ đẩy lùi được tham nhũng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Doanh nghiệp tử tế dễ thiệt thòi
TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Chính phủ, cho biết trước đây chỉ chống tham nhũng trong khu vực công nhưng nay dự kiến sẽ đưa chống tham nhũng trong khu vực tư ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, hiện nhiều DN FDI cũng muốn chống tham nhũng ở khu vực tư để đảm bảo sự bình đẳng. Bởi vì một khi DN đưa hối lộ thì nhận được lợi thế hơn các DN khác như được giảm, ưu đãi về thuế. “Chống tham nhũng trong khu vực tư là bảo đảm sự bình đẳng. Bởi vì những DN đưa hối lộ thì được ưu đãi, còn những DN tử tế rất dễ thiệt thòi. Muốn chống được thì phải chống được việc đưa hối lộ, nguồn tiền của nó, các chế độ tài khoản, thuế khóa thì Nhà nước phải nắm” - TS Minh phân tích.
Ngoài ra, tại sao phải phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư trong khi việc chống tham nhũng ở khu vực công chưa hiệu quả? TS Minh cho rằng vì chưa chống tham nhũng trong khu vực tư nên chưa hiệu quả trong việc phòng, chống tham nhũng ở khu vực công. “Nếu chỉ chống tham nhũng trong khu vực công thì giống như người đi một chân nên cần phải chống tham nhũng ở khu vực tư. Chống tham nhũng ở khu vực tư là tăng cường chống tham nhũng trong khu vực công. Khi đó, những người làm ăn tử tế sẽ có môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, công khai” - ông Minh khẳng định.
Chống khu vực công chưa xong nói gì đến tư Nếu bổ sung việc chống tham nhũng ở khu vực tư vào Luật Phòng, chống tham nhũng thì dễ dẫn đến lạm quyền như gia tăng số vụ kiểm tra, thanh tra DN. Điều này dễ nảy sinh tham nhũng, nhũng nhiễu, tạo hiệu ứng ngược. “Chống tham nhũng ở khu vực công chưa xong thì nói gì đến chống tham nhũng trong khu vực tư. Hệ lụy dẫn đến môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi DN Việt Nam làm ăn với DN quốc tế cũng dễ tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia vào Hiệp định thương mại tự do FTA” - ông Tuấn cảnh báo. Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |