Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong đã khẳng khái nói như thế tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016, ngày 7-9.
Báo cáo của Chính phủ nhận định: “Tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”.
5 người đứng đầu bị xử lý hình sự
Báo cáo của Chính phủ cho hay năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có năm người bị xử lý hình sự, con số này giảm hơn 155% so với cùng kỳ năm 2015.
Đánh giá về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết có dư luận phản ánh tình trạng người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình.
“Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm để khi xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, nhất là năm trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự được nêu trong báo cáo là do họ có hành vi tham nhũng hay do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng” - ông Cường nói.
Giải trình nhận định cho rằng còn có biểu hiện chưa coi trọng việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết đây cũng là hạn chế mà Chính phủ đã nghiêm túc chỉ ra khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Theo tổng thanh tra, nguyên nhân là do còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đang giải trình báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2016 trước Ủy ban Tư pháp của QH ngày 7-9. Ảnh: ĐỨC MINH
“Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị” - ông Sáu nói và cho biết tới đây Chính phủ sẽ có những đề xuất sửa đổi Luật PCTN để khắc phục những hạn chế trên.
Liên quan đến năm trường hợp xử lý hình sự đối với người đứng đầu nêu trong báo cáo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã nắm được địa chỉ. “Cụ thể có phải địa phương xử lý hình sự trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng hay là xử lý người đứng đầu tham nhũng, chúng tôi sẽ kiểm tra rõ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH)” - ông Sáu nói.
“Điểm nghẽn” cơ chế
Chính phủ dự báo trong năm 2017 và các năm tiếp theo tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn… Trong năm 2017, Chính phủ “kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” - ông Đạt nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng (ở Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và VKSND Tối cao) còn chưa tương xứng với quy mô của bộ máy chống tham nhũng và tình hình tham nhũng đang diễn ra.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng chúng ta không thiếu quyết tâm chính trị, song chúng ta lại có “điểm nghẽn” là cơ cấu và cơ chế. “Hiện nay tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước QH... Nhưng tham nhũng trong quản lý kinh tế đang giao cho ba ông, không ai chịu trách nhiệm chính cả. Đề nghị nếu tin ai thì thảo luận giao cho một ông chịu trách nhiệm hoặc ông công an, hoặc ông thanh tra” - ông Phong nói.
“Lực lượng chuyên trách chống tham nhũng, đã giao phải tin, đã tin rồi mới giao, kèm theo đó phải có cơ chế chính sách bảo đảm cho họ ổn định cuộc sống. Muốn chống tham nhũng thì bàn tay phải sạch, tay bẩn thì không chống tham nhũng được…” - ông Phong nói thêm.
Ông Phong đồng thời cũng nêu lên một thực tế hiện nay “chỉ có dân và nhà báo tố thôi; cán bộ, đảng viên thì giấu cho thủ trưởng”. Do vậy, nút gỡ quan trọng vẫn là vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu để tạo dựng cơ chế phòng, chống tham nhũng đồng thời xây dựng cơ chế tốt bảo vệ người tố cáo.
Thu hồi tài sản không đạt chỉ tiêu QH giao Liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỉ lệ thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu thừa nhận: Không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết của QH. Ông Sáu lý giải nguyên nhân là do việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp, khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm. “Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả”. Mặt khác, do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Một số vụ án gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài… “Chúng ta trăn trở, bức xúc vì sao án tham nhũng không thu hồi được tài sản. BLHS 2015 đưa ra giải pháp người bị tử hình về hành vi tham nhũng nhưng nếu nộp 3/4 tài sản tham nhũng thì không bị tử hình nữa. Đó là giải pháp chạy theo người phạm tội. Trong khi đó, BLTTHS hiện hành đã quy định nhưng chúng ta không áp dụng đó là kê biên tài sản, như vậy họ sẽ không kịp tẩu tán kể từ khi họ bị khởi tố bị can” - Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Nguyễn Mai Bộ nói. Những con số đáng chú ý • Hơn 1 triệu người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2015 và 414 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản, thu nhập nhưng chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. • Không có trường hợp nào được phát hiện vi phạm quy định về nộp quà tặng. • 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng. • 12% bị cáo về các tội danh tham nhũng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. • 240 tỉ đồng, 838 m2 đất bị thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng trong năm 2016. • 92 tỉ 460 triệu đồng đã được thu hồi và kê biên bảy bất động sản, đạt tỉ lệ 38,3%. • Từ ngày 1-10-2015 đến 31-7-2016, cơ quan điều tra thụ lý điều tra 236 vụ án, khởi tố 609 bị can phạm tội về tham nhũng; VKS đã truy tố 236 vụ, 548 bị can; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 402 bị cáo về các tội danh tham nhũng. |