Một trong những yếu tố làm nên thành công của Singapore trong cuộc chiến chống tham nhũng trước đây chính là ý chí, quyết tâm của các nhà lãnh đạo.
Sau khi lập quốc, Singapore cũng phải đối mặt với tham nhũng. Uy tín của đảng cầm quyền PAP bị đe dọa. Năm 1960, bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore là Ong Pang Boon phát biểu tại Hội đồng Lập pháp rằng: “Chính phủ Singapore quyết tâm làm tất cả mọi việc có thể sao cho tất cả biện pháp lập pháp và hành chính được thực hiện để làm giảm cơ hội xảy ra tham nhũng, dễ phát hiện tham nhũng hơn, răn đe và trừng trị nghiêm khắc những người có hành vi tham nhũng”.
Công tác kê khai, minh bạch tài sản chưa thực sự phát huy tác dụng trong phòng, chống tham nhũng. Ảnh: HTD
Năm 1965, các nhà lãnh đạo Singapore không tham gia vào lĩnh vực tài chính, thương mại và làm việc cần mẫn hơn những người khác để làm gương.
Năm 1979, ông Lý Quang Diệu khi đó là thủ tướng đã nói: “Nếu những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, không nghiêm khắc đòi hỏi những chuẩn mực cao thì hệ thống hành chính sẽ yếu đi và sẽ sụp đổ. Singapore chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu như các bộ trưởng và viên chức cao cấp đều liêm khiết và làm việc hiệu quả… Khi đó người Singapore mới thấy được những phần thưởng xứng đáng là kết quả của quá trình làm việc siêng năng. Chỉ khi đó người nước ngoài và người Singapore mới đầu tư vào Singapore, chỉ khi đó người dân Singapore mới làm việc để bản thân và con cái mình có cuộc sống tốt nhờ giáo dục và đào tạo thay vì trông đợi vận may hay “bôi trơn” ở những nơi thích hợp”. Đảng Hành động nhân dân (PAP) của ông Lý Quang Diệu khi đó đã đề ra nguyên tắc: “Giữ mình trong sạch và không nhận hối lộ”.
Ý chí và quyết tâm chính trị trung thực, mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng của đảng PAP đã thực sự phát huy hiệu quả phòng, chống tham nhũng cho đến ngày hôm nay.