Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí 2015 do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 8-3, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, đã đề cập tình trạng nhiều vụ buôn lậu ở TP.HCM có liên quan tới nhân viên hải quan. Tôi nghĩ đấy chỉ là con số trên giấy tờ vụ việc được phanh phui mà cơ quan chức năng nắm được.
Chính một lãnh đạo hải quan khi thông tin trên báo chí đã cho biết một trong những lực lượng chống buôn lậu là hải quan nhưng có không ít cán bộ ngành biến chất, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Bắt được một vụ vận chuyển chỉ vài trăm ký hàng lậu nhưng kẻ buôn lậu khai đã thực hiện trót lọt mấy chục lần và mang về hàng tấn ở cửa khẩu. Muốn vận chuyển hàng lậu qua cửa khẩu không hề đơn giản, hàng hóa đều bị cơ quan hải quan kiểm tra theo nhiều thủ tục, quy trình. Do đó các đối tượng này móc nối với một công chức hải quan được giao nhiệm vụ kiểm hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch để lách kiểm tra. Cán bộ hải quan này đã ký khống trên tờ khai cho 13 kiện hàng lậu.
Còn nhớ vụ buôn lậu yến từ Malaysia về Việt Nam, mỗi vali được qua cửa, cán bộ hải quan tiếp tay lấy công 600 USD. Tổng cộng số tiền mà bọn buôn lậu đưa trực tiếp và chuyển khoản cho cán bộ hải quan này lên tới 2,5 tỉ đồng. Đây mới chỉ tính riêng một vụ, có những vụ số tiền thất thu thuế cho ngân sách nhà nước lên tới hàng chục tỉ đồng.
Lực lượng hải quan kiểm tra các container hàng nhập lậu tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP.HCM. Ảnh: Mạnh Linh
Sơ hở về chính sách hải quan cũng bị chính doanh nghiệp (DN) làm ăn bất chính lợi dụng. Đơn cử, quy định hải quan về phân luồng xanh, luồng đỏ. Nếu DN chứng minh được mình làm ăn đàng hoàng thì hải quan phân cho luồng xanh. Thực tế, nhiều DN ban đầu hoạt động nhỏ, hàng hóa đảm bảo chỉ để chứng minh hoạt động tốt, trình hải quan để được phân luồng xanh, ưu tiên khi thông quan. Sau đó họ buôn lậu.
Theo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của DN đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, có tới 28% DN phản ánh việc phải trả thêm chi phí ngoài quy định. 36% DN cho biết nếu không trả chi phí ngoài quy định thì họ có thể bị phân biệt đối xử. So sánh giữa các địa phương, nơi thấp nhất có 8%, nơi cao nhất có tới 80% DN cho biết bị phân biệt đối xử nếu không “chung” phí.
Bản thân tôi là DN xuất nhập khẩu, nếu không trả chi phí ngoài quy định cũng thường bị kéo dài thời gian làm thủ tục, bị yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định và phải đối mặt với thái độ không mấy lịch sự của cán bộ hải quan.
Cũng như ở các cơ quan chức năng khác, hải quan cũng có “cò”, muốn nhanh phải gặp ông này ông kia, nếu không thì cứ chờ đi!
Khó khăn của chúng tôi còn là quá nhiều biểu mẫu khai báo và các giấy tờ này lại hay thay đổi. Nhiều văn bản từ ngữ không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn hay dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa DN và hải quan. Chính những khó khăn này cũng dẫn đến mất thời gian cho DN.
Ngoài ra, việc thông quan hàng hóa ở nước ta vẫn tính bằng ngày trong khi các nước trong khu vực họ đã tính bằng giờ, ở những nước phát triển thì việc thông quan tính bằng phút.
Chính những nguyên nhân trên buộc DN phải bỏ chi phí “bôi trơn”. Và chính những chi phí “bôi trơn”, phí ngoài quy định ấy đã tạo điều kiện cho những DN buôn lậu vận chuyển hàng hóa xuôi chèo mát mái, vượt được nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt.
Có đến 50% vụ buôn lậu ở TP.HCM đều có bóng dáng hoặc liên quan tới nhân viên hải quan. Thiếu tướng PHAN ANH MINH, |