Đánh gãy mũi hàng xóm

Nạn nhân không yêu cầu khởi tố vụ cố ý gây thương tích nên người vi phạm thoát vòng hình sự.

TAND TP.HCM vừa y án sơ thẩm của TAND quận 5, tuyên buộc ông V. phải bồi thường thiệt hại sức khỏe hơn 28 triệu đồng cho người hàng xóm là bà N. Điều đáng nói là vụ việc này, bà N. dù muốn đòi xử lý hình sự ông V. nhưng không biết tố giác ở đâu. Chỉ khi ra tòa bà mới ngộ ra chuyện quyền lợi của mình bị thiệt thòi.

Bị ném gãy mũi

Bà N. trình bày, sáng một ngày tháng 2-2009, bà đang nói chuyện với em gái, ông V. ở trong nhà hàng xóm lao ra, cầm ghế inox đập bà khiến bà bị gãy mũi, chấn thương vùng mặt. Gần ba tháng sau, khi sức khỏe ổn định, bà phải vào bệnh viện phẫu thuật chỉnh lại mũi.

Theo bà N., sau khi sự việc xảy ra bà rất muốn tố giác để xử lý hình sự người hàng xóm nhưng thấy công an phường lập biên bản, lấy lời khai những người liên quan nên bà tin tưởng ngồi chờ. Sau đó không thấy công an đả động gì đến vụ việc, bà đã chạy đôn chạy đáo tố giác thì vết thương đã lành nên không thể giám định thương tật. Cuối cùng bà đến UBND phường gặp cán bộ tư pháp thì được hướng dẫn khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại. Theo hướng dẫn, bà đã khởi kiện yêu cầu anh em ông V. phải bồi thường cho bà hơn 48 triệu đồng.

Đánh gãy mũi hàng xóm ảnh 1

Xử sơ thẩm, TAND quận 5 nhận định ông V. gây ra thương tích cho bà N. nên phải bồi thường hơn 28 triệu đồng.

Nạn nhân yêu cầu mới khởi tố được

Vì cho rằng quyết định của tòa sơ thẩm là hợp lý nên tại phiên tòa phúc thẩm, bà N. không tranh luận nhiều, chỉ trả lời những câu hỏi của tòa. Còn phía bị đơn nhất quyết từ chối bồi thường vì cho rằng án sơ thẩm quyết định sai, cần phải bác yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm, án sơ thẩm đã đúng vì những chứng cứ trong hồ sơ thể hiện rõ bản chất sự việc ông V. gây ra thương tích cho bà N.

Trong quá trình thẩm vấn bà N., tòa nhiều lần cho rằng lẽ ra bà phải quyết liệt hơn trong việc tố giác sự việc đến cơ quan công an. Khi công an phường làm lơ, không quan tâm thì phải yêu cầu công an quận xử lý. Đằng này bà để cho sự việc trôi qua làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình...

Theo tòa, may cho anh em ông V. vì nếu bà N. tố giác sự việc, yêu cầu khởi tố hình sự ông V. đúng nơi đúng chỗ thì khả năng ông V. đối diện với một bản án hình sự là rất cao. Bởi theo tòa, không phải trường hợp nào tỉ lệ thương tật cũng phải đủ 11% thì mới có thể khởi tố vụ án mà còn tùy tính chất mức độ hành vi có nguy hiểm hay không. Ở trường hợp này, ông V. dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng mặt của bà N. thể hiện hành vi nguy hiểm nên khả năng bị xử lý hình sự khá rõ. Bà N. không yêu cầu khởi tố nên các cơ quan tố tụng không thể nhảy vào xử lý được.

Trách nhiệm của công an phường chưa cao

Theo tôi, dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích của phía bị đơn trong vụ việc này là rất rõ. Luật quy định với loại tội này chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Ở đây vì mải chạy chữa vết thương, không am hiểu pháp luật nên nguyên đơn không yêu cầu công an khởi tố vụ án ngay sau khi sự việc xảy ra. Tuy nhiên, nếu phía công an phường có trách nhiệm hơn thì sau khi lập hồ sơ vụ việc họ có thể chủ động hỏi han, hướng dẫn đương sự yêu cầu khởi tố vụ án. Lúc đó, chắc chắn hành vi vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng và quyền lợi của người bị hại cũng được bảo vệ đến nơi đến chốn.

Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm