Đổi mới đường sắt bằng xóa độc quyền

Với quyết tâm thay đổi bộ mặt cũ kỹ, lạc hậu, trì trệ của ngành đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT đang khẩn trương đốc thúc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện tái cơ cấu, xóa bỏ độc quyền và mở cửa để thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia kinh doanh từ vận tải đến cơ sở hạ tầng. Trong cuộc họp ngày 7-1 về tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chủ tịch HĐTV tổng công ty này cũng đã thể hiện sự quyết tâm bằng cam kết chính trị: “Năm 2014, nếu không đổi mới được thì sẽ từ chức”.

Những hành động và quyết tâm trên liệu có đủ để giúp đường sắt thay đổi? Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về những vấn đề trên.

“Hút” tư nhân vào kinh doanh

. Phóng viên: Người đứng đầu ngành đường sắt đã thể hiện một quyết tâm chính trị rất cao nhưng liệu chỉ với một năm ngắn ngủi thì có đủ để đổi mới không, khi mà đường sắt hiện đang quá lạc hậu, thưa ông?

+ Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: “Cam kết từ chức” là thể hiện trách nhiệm, quyết tâm chính trị của chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc đổi mới, tái cơ cấu hoạt động của ngành đường sắt. Tuy nhiên, phải thấy rằng thực trạng đường sắt Việt Nam là tồn tại hàng trăm năm nay rồi và không phải nói một cái là thay đổi một cách kỳ diệu được. Cái này phải dần dần, từng bước một, quan trọng là phải vạch ra một lộ trình, hướng đi cụ thể.

Hành khách mua vé tàu tết tại Ga Sài Gòn. Ảnh: HTD

Ví dụ việc nâng cao chất lượng vận tải, cải tạo hệ thống bán vé, nhà ga, hạ tầng sao cho an toàn và hiệu quả hơn từng bước một thì có thể làm ngay. Hay như các dự án thì cũng phải đẩy nhanh tiến độ lên chứ không thể cứ chậm chạp như trước nữa. Tất cả những cái đó từ nhỏ đến lớn anh phải đề ra lộ trình và bắt tay vào làm ngay.

. Thế còn việc đổi mới cơ sở hạ tầng, tinh gọn bộ máy, xóa dần sự độc quyền của ngành đường sắt thì sao?

+ Bộ GTVT đã trình Chính phủ chiến lược phát triển ngành đường sắt từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó sẽ vạch ra những chiến lược cụ thể để cải tạo, nâng cấp và xây dựng những tuyến đường sắt mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Còn trước mắt, trong năm 2014 và 2015 sẽ tập trung tái cơ cấu hoạt động, kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với nhiệm vụ chính là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sắp xếp lại bộ máy và cổ phần hóa các doanh nghiệp.

Đối với việc sắp xếp, qua rà soát cho thấy bộ máy vận tải của ngành đường sắt hiện quá cồng kềnh khi có đến hai công ty vận tải hành khách và một công ty kinh doanh hàng. Vì thế tới đây sẽ sắp xếp lại thành hai đầu mối, một ở khu vực phía Bắc và một ở khu vực phía Nam, trong đó vận chuyển cả hành khách và hàng hóa. Như thế sẽ giảm đi một đầu mối, giảm chi phí và tập trung được nguồn lực.

Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với ngành đường sắt xây dựng các cơ chế, chính sách để mở cửa cho tư nhân tham gia đầu tư kinh doanh vào các hoạt động bảo trì, khai thác hạ tầng; cũng như các đoàn tàu, toa tàu chở khách và chở hàng… Việc bán vé phục vụ hành khách cũng sẽ được đầu tư, đổi mới mạnh mẽ hơn với nhiều hình thức phục vụ thuận tiện cho người dân muốn mua. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức vận tải kết nối một cách phù hợp, ví dụ tổ chức luôn các tuyến vận tải ô tô để đưa đón hành khách từ ga đường sắt về các vùng miền, kể cả các vùng xa như ĐBSCL… Những cái đó sẽ tạo thuận lợi cho hành khách đi lại, giúp ngành đường sắt tăng được thị phần vận tải.

Rà soát kỹ để giảm giá vé

. Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ tàu hỏa không thu hút được hành khách vì giá vé quá cao, thậm chí có loại cao hơn cả giá vé máy bay. Vậy trong chiến lược đổi mới có tính đến việc rà soát chi phí để giảm giá vé không, thưa ông?

+ Có thể đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những năm qua, trong khi các loại hình vận tải như ô tô, hàng không đều phát triển, tỉ lệ hành khách ngày càng tăng cao thì đường sắt ngày càng giảm. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại như vậy?

Tuy nhiên, nếu khẳng định là đắt hay rẻ ngay bây giờ thì chưa thể được. Vì thế Bộ GTVT đã chỉ đạo và đang giao cho các đơn vị chức năng rà soát, tính toán lại xem mức giá tàu hỏa đang áp dụng có phù hợp hay không. Bởi cũng có người cho rằng vì đường sắt của chúng ta cũ kỹ, lạc hậu quá rồi nên tốc độ chạy tàu rất chậm, chi phí cao nên phải đẩy chi phí giá vé lên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát tất cả, ví như xem việc sử dụng nhiên liệu cho các chuyến tàu có phù hợp không, bố trí nhân lực phục vụ chạy tàu có nhiều quá làm đội chi phí lên không. Tất cả những cái đó phải rà soát, nếu thấy bất cập, không phù hợp thì sẽ điều chỉnh để giảm chi phí và là cơ sở để giảm giá thành. Những việc đó phải xem xét lại một cách nghiêm túc, vì cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hiện rất quyết liệt. Nếu tàu hỏa cứ duy trì mức giá cao thì sức cạnh tranh của anh sẽ kém, dẫn đến hành khách sẽ chuyển sang đi loại hình khác.

. Xin cảm ơn ông.

THÀNH VĂN

Để tư nhân tham gia nhiều hơn

Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần nghiên cứu tách quản lý hạ tầng và vận tải đường sắt ra như ngành hàng không đang thực hiện. Đồng thời, phải xây dựng các cơ chế để tư nhân tham gia đầu tư vào kinh doanh hoạt động vận tải đường sắt nhiều hơn.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
(Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành GTVT ngày 9-1)

Còn thua nếu giá vé vẫn cao

Trong đầu lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt luôn nghĩ mình không phải doanh nghiệp mà là bộ đường sắt nên trong cách làm việc, mối quan hệ chưa thực thay đổi, vẫn nghĩ mình là cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta phải bỏ tư duy độc quyền. Cùng với đó, vé tàu hiện nay đắt hơn quá nhiều so với máy bay giá rẻ. Cụ thể, giá vé giường nằm từ Hà Nội đến TP.HCM tới 1,9 triệu đồng/vé, chạy tới 30 tiếng trong khi vé máy bay giá rẻ chỉ hơn 1 triệu đồng. Nếu giá vé đường sắt vẫn như thế này thì còn thua.

Bộ trưởng GTVT  ĐINH LA THĂNG
(Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2014 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ngày 3-1)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm