Giết người hay giết người do vượt giới hạn phòng vệ…?

Huấn ở chung phòng trọ với một người bạn. Sau đó, anh này chuyển đi nhưng thiếu Huấn 300.000 đồng tiền ăn và tiền phòng. Ít lâu sau, anh này cùng C. sang phòng Huấn xin khất nợ. Lời qua tiếng lại, C. đá vào hông của Huấn nhưng được mọi người can ngăn. Trưa hôm sau, C. lại tiếp tục cùng hai người bạn qua phòng của Huấn gây sự. Huấn nói: “Mày muốn gì cứ nói ra đi, giữa tao với mày không có gì hết”. C. liền xông vào đánh Huấn, rồi cầm con dao bầu cán gỗ dài 40 cm đâm. Huấn né được, chụp cây gỗ đánh lại nhưng hụt. C. lại tiếp tục dùng dao đâm thì bị Huấn dùng cây gỗ đánh trúng vào đầu. C. té xuống đất, vùng dậy định đâm tiếp nhưng bị Huấn đánh trúng tay rơi dao. Ngay lúc đó, C. được mọi người đưa vào bệnh viện nhưng chết do chấn thương sọ não.

Tại phiên tòa, bị cáo khai mình không hề mong muốn đánh chết C. Chỉ vì nạn nhân cầm dao trên tay, lao vào tấn công quyết liệt nên bị cáo dùng cây đánh lại để kiếm đường thoát thân.

Luật sư bào chữa cho rằng cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội giết người là chưa chính xác vì chưa xem xét thấu đáo những tình tiết liên quan. Trong trường hợp bị tấn công bằng dao là phương tiện, vũ khí nguy hiểm thì ai cũng phải tự bảo vệ mình. Có nhiều cách để tự vệ nhưng nơi xảy ra vụ việc là phòng trọ, người bị hại đứng chặn ngay cửa, lại không có lực lượng chức năng can thiệp nên việc chống trả lại của bị cáo là hợp lý. Do cú đánh của bị cáo mà người bị hại chết nên bị cáo cũng có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, bị cáo chỉ phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Đối đáp, đại diện VKS cho rằng người bị hại chỉ dùng con dao dài 40 cm trong khi bị cáo dùng cây gỗ vuông dài 80 cm là có sự chênh lệch. Hơn nữa, trong hoàn cảnh lúc đó, bị cáo có thể dùng những cách khác để tự bảo vệ mình.

Cuối cùng, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, xâm phạm đến quyền được sống của con người. Dù người bị hại dùng dao tấn công bị cáo trước nhưng bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về tội danh này.

Thạc sĩ Mai Khắc Phúc (giảng viên khoa Luật hình sự, Đại học Luật TP.HCM) cho hay theo khoa học luật hình sự, quyền phòng vệ phát sinh khi có đủ ba điều kiện: có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật; sự tấn công đang xảy ra; sự tấn công đang xâm phạm vào những lợi ích được pháp luật bảo vệ. Khi có đủ ba điều kiện này thì bất cứ ai cũng có quyền tự phòng vệ. Nếu sự việc xảy ra như nội dung trên, bị cáo đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền tự phòng vệ cho mình. Trong trường hợp này, hành vi của bị cáo đã dẫn tới hậu quả chết người. Như vậy, vấn đề cốt lõi là các cơ quan tố tụng phải tập trung xem xét sự phòng vệ của bị cáo có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay là trong phạm vi giới hạn phòng vệ chính đáng. Các cơ quan tố tụng xét xử bị cáo theo hướng phạm tội giết người thì coi như đã tước bỏ quyền được phòng vệ của bị cáo mà luật đã quy định.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm