Đó là đề nghị của ông Vũ Ngọc Nam, Trưởng phòng Kiểm tra văn bản - Sở Tư pháp TP.HCM, tại hội thảo góp ý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 16-3.
Về đối tượng là tài sản của Nhà nước cần quản lý, ông Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tài sản công với tài sản là vàng (phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ cho dự trữ quốc gia). Theo ông Nam, ngoài tiền và các tài sản hữu hình ra còn có vàng, đây là tài sản có giá trị, rất quan trọng trong việc quản lý và sử dụng nó như một tài sản nhà nước để kinh doanh.
Ngoài ra, ông Nam cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung tài sản công đối với các tài sản vô hình như quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, quyền thương mại...
Ông Vũ Ngọc Nam - Trưởng phòng Kiểm tra văn bản - Sở Tư pháp TP.HCM - góp ý tại hội thảo. Ảnh: Tá Lâm
Về mua sắm tài sản công, ông Nam đề nghị bổ sung trường hợp “thuê trụ sở” bên cạnh “mua sắm trụ sở”. “Việc quản lý tài sản thuê này cũng phải giống như quản lý tài sản của Nhà nước. Bởi vì trong trường hợp chúng ta dùng tiền của Nhà nước để thuê, nếu cơ quan thuê tài sản để thất thoát thì cũng sẽ bị xử phạt hợp đồng theo Bộ luật Dân sự” - ông Nam nói.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu đề nghị cần thiết phải sửa đổi dự án luật này vì thời gian qua trong thực tế quản lý đã phát sinh nhiều bất cập và hạn chế.
Đối với tài sản vô chủ, đại diện đến từ Kiểm toán Nhà nước đề nghị bổ sung một điều khoản thưởng thỏa đáng cho các cá nhân và tập thể tự nguyện nộp tài sản vô chủ cho cơ quan có thẩm quyền nhằm khuyến khích công dân trình báo hoặc nộp tài sản vô chủ. Theo vị này, thực tế có hiện tượng vì lợi ích trước mắt nhiều người đã lén tiêu thụ tài sản vô chủ, từ đó làm tổn hại đến giá trị lịch sử, giá trị văn hóa cổ vật hay bảo vật quốc gia.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyến cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để phản ánh trước diễn đàn Quốc hội, để làm sao tài sản của Nhà nước được quản lý chặt chẽ.