Hàng ngàn khối gỗ quý ở rừng Sông Lũy bị triệt hạ

Ngày 26-12, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có công văn gửi Sở NN&PTNT, UBND huyện Bắc Bình lien quan đến tình trạng phá rừng tại rừng phòng hộ Sông Lũy.

Theo đó yêu cầu hai đơn vị trên làm rõ các vụ triệt hạ, hủy hoại rừng tại rừng phòng hộ Sông Lũy trong ba năm từ 2015-2017. Đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân đặc biệt là người đứng đầu có liên quan trách nhiệm trong việc để phá rừng nghiêm trọng kéo dài tại lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy; rút ra những nguyên nhân yếu kém, từ đó đề ra các giải pháp tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hiện trường vụ phá rừng Sông Lũy mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. 

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu rà soát củng cố, kiện toàn Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Hạt Kiểm lâm Bắc Bình nhằm đảm bảo về lực lượng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng để chấm dứt tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Xây dựng phương án, tổ chức phát động cao điểm triển khai ngay từ trước Tết Dương lịch năm 2018 đến hết mùa khô năm 2018, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Theo báo cáo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, tại huyện Bắc Bình hiện tình trạng phá rừng đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể từ 2015-2017, Hạt Kiểm lâm Bắc Bình phát hiện rất nhiều vụ phá rừng trái phép và đã ra quyết định khởi tố 25 vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Những vụ này đều xảy ra trên lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý, hậu quả rất nghiêm trọng đã có hàng ngàn m3 gỗ bị chặt hạ trái phép, có vụ gây thiệt hại đến 250 m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8.

Theo Công an Bình Thuận, nguyên nhân là do chủ rừng thiếu trách nhiệm, kiểm lâm địa bàn không phối hợp với chủ rừng, địa phương; nhiều nơi để rừng bị phá liên tục, kéo dài nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo. Hạt Kiểm lâm thiếu phối hợp với chủ rừng, địa phương.

Cụ thể khi chủ rừng phát hiện rừng bị triệt hạ đến khi Hạt Kiểm lâm khởi tố chuyển cho công an thường trên 6 tháng, có vụ kéo dài cả năm. Do đó khó khăn cho công tác điều tra, hầu hết các vụ án không tìm ra người phạm tội nên phải tạm đình chỉ điều tra khi hết thời hạn điều tra vụ án.

Số lượng gỗ rất lớn đã bị lâm tặc triệt hạ. 

Công an Bình Thuận đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan CSĐT cấp tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ về công tác điều tra các vụ phá rừng và yêu cầu lãnh đạo Công an Bắc Bình nhanh chóng điều tra làm rõ. Đặc biệt chú ý đến các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; chú ý các băng nhóm, đối tượng cầm đầu, chủ mưu phá rừng, chống người thi hành công vụ, các đầu nậu, chủ vựa mua bán lâm sản trái phép…

Trước đó, nhiều  vụ phá rừng trong số này do Pháp Luật TP.HCM phát hiện, phản ánh, nhất là các vụ xảy ra từ năm 2015-2016, trong đó có những vụ chúng tôi đã "điểm mặt" một số nghi phạm đáng chú ý. 

Tuy nhiên đúng như báo cáo của Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận, không hiểu vì sao việc củng cố hồ sơ các vụ trên ở lại chậm và đến khi chuyển cho CQĐT thì các vụ án trên đều "gặp khó". 

Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nghiêm trọng này.

Một số hình ảnh về các vụ phá rừng Sông Lũy mà chúng tôi đã từng phản ánh: 

Hiện trường các vụ phá rừng phòng hộ Sông Lũy mà Pháp luật TPHCM từng phản ảnh

Hàng ngàn khối gỗ quý ở rừng Sông Lũy bị triệt hạ ảnh 6

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm