Hồ sơ vụ án đã được Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình chuyển sang Cơ quan CSĐT và VKSND huyện Bắc Bình. Theo đó, tại dốc Ho Lao có 27 cây dầu đường kính từ 70 cm trở lên bị triệt hạ và lâm tặc chưa đưa gỗ ra khỏi rừng. Số cây rừng này bị triệt hạ vào khoảng đầu tháng 11-2014. Riêng tại tiểu khu 73A ngoài cây dầu cổ thụ “khủng” nêu trên còn có thêm 50 gốc bằng lăng đường kính 70-80 cm bị triệt hạ.
Như vậy, trong số bảy điểm phá rừng phòng hộ Sông Lũy mà Pháp Luật TP.HCMliên tục phản ánh đã có ba điểm được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ khởi tố. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình, bốn vụ còn lại lực lượng kiểm lâm vẫn đang phối hợp với Công an huyện Bắc Bình lập lý lịch gỗ, củng cố hồ sơ để tiếp tục khởi tố.
Cây bằng lăng bị triệt hạ tại tiểu khu 71 nhưng ban quản lý rừng và kiểm lâm vẫn chưa phát hiện. Ảnh: PN
Mặc dù các lực lượng chức năng xử lý khá quyết liệt nhưng gần đây nạn phá rừng vẫn tiếp tục xảy ra dữ dội tại rừng phòng hộ Sông Lũy. Tại tiểu khu 71 có gần 40 gốc bằng lăng, căm liên có đường kính 80-100 cm bị triệt hạ và tại tiểu khu 70 có khoảng 20 gốc cà gằng đường kính 50-80 cm cũng bị lâm tặc “xử đẹp”. Toàn bộ số cây rừng này bị triệt hạ khoảng đầu năm 2015, gỗ được cưa xẻ thành hộp tại chỗ và lâm tặc đã chuyển đi. Hai khu vực rừng này hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy và kiểm lâm vẫn chưa phát hiện, đánh số, kiểm đếm.
Riêng khu vực láng cọp, láng gấu ở các tiểu khu 101, 102, 129 lực lượng kiểm lâm vừa mới phát hiện và kiểm đếm có gần 50 gốc dầu có đường kính 90-100 cm bị triệt hạ. Nếu tính hết các vụ phá rừng trên thì trữ lượng gỗ bị thiệt hại đã lên đến cả ngàn mét khối.