Cụ thể, tại khu vực suối Trinh thuộc tiểu khu 139 (xã Phan Tiến, Bắc Bình) có gần 200 cây căm liên với đường kính gốc từ 30 cm đến 40 cm đã bị triệt hạ và khoảng 30 cây sến móng tay, gạo đường kính 50-60 cm bị cưa hạ. Ngoài ra tại đường “xe gãy” thuộc tiểu khu 71 (xã Phan Sơn) có khoảng 30 gốc bằng lăng đường kính 70-80 cm cũng đã bị lâm tặc “hóa kiếp”... Ước tính lượng gỗ bị hạ tại các điểm phá rừng này khoảng 120 m3.
Tại khu vực suối Trinh có gần 250 gốc bằng lăng, căm liên bị hạ nhưng cơ quan chức năng chưa biết. Ảnh: P.NAM
Tại hiện trường các điểm phá rừng này, lâm tặc đã vận chuyển, tẩu tán toàn bộ gỗ cưa hạ, chỉ còn sót lại vài hộp gỗ xẻ, gỗ tròn. Căn cứ vào dấu mạt cưa, các vụ phá rừng này trùng với thời gian bốn điểm phá rừng tại Sa Mai, Sông Dú, dốc Ho Lao bị lâm tặc triệt hạ. Tuy nhiên, các gốc cây, số gỗ còn sót tại hiện trường vẫn chưa được đánh số kiểm tra, chứng tỏ lực lượng bảo vệ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình chưa phát hiện.
Về các vụ phá rừng ở Hàm Thuận Nam mà chúng tôi đã phản ánh, ngày 8-2, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: UBND tỉnh đã có công văn gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, thống nhất cho Sở NN&PTNT chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
Công văn cũng yêu cầu giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận tăng cường công tác tuần tra, quản lý diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao quản lý theo đúng quy định. “Để xảy ra vụ việc khai thác lâm sản trái pháp luật trên địa bàn, lâm phận quản lý trong thời gian dài nhưng không phát hiện, báo cáo, xử lý kịp thời thì trách nhiệm trước hết thuộc về các tập thể, cá nhân thuộc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận và Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam. Do đó, yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý theo quy định. Sở Nội vụ theo dõi, kiểm tra công tác triển khai kiểm điểm này. Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan của Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam và trường hợp của một cán bộ thuộc Đội Kiểm lâm cơ động Bình Thuận xử lý theo quy định” - công văn nêu.
Như chúng tôi đã thông tin, từ cuối năm 2012 đến tháng 5-2014, tại rừng Nà Dệt, Giếng Cọp, Tà Nớ có hơn 1.000 cây gỗ bị triệt hạ. Tuy nhiên, đơn vị chủ rừng là Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam không hề có báo cáo nào. Đặc biệt trong vụ phá rừng này có dấu hiệu bảo kê và liên quan của một phó giám đốc xí nghiệp và một cán bộ bảo vệ rừng.