Trong khi các cơ quan chức năng đang làm rõ ba vụ phá rừng mà chúng tôi đã phản ảnh thì chúng tôi phát hiện thêm một điểm khác tại rừng phòng hộ Sông Lũy bị lâm tặc tàn sát.
Ngổn ngang gỗ cà chí tại hiện trường
Địa điểm mới này chỉ cách hiện trường vụ phá rừng Sông Dú khoảng 500 m đường núi. Tại hiện trường, chúng tôi kiểm đếm có hơn 20 gốc cây cà chí có đường kính từ 70 đến 80 cm bị triệt hạ. Toàn bộ số gỗ bị triệt hạ đã được lâm tặc cưa xẻ bằng cưa máy thành hộp và chưa kịp vận chuyển. Khu vực này nằm sát con đường mòn vận chuyển gỗ bằng xe cải tiến được xác định nằm giáp ranh giữa hai tiểu khu 79 và 72 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý và bảo vệ.
Nhìn dấu cưa xẻ trên hộp gỗ, T., một lâm tặc đã giải nghệ khẳng định: Căn cứ vào nhựa cây, mạt cưa… tại hiện trường thì số gỗ này bị triệt hạ khoảng đầu tháng 11-2014.
Theo quan sát của chúng tôi, dù đường vận chuyển gỗ dễ dàng nhưng vì chúng tôi liên tục phản ảnh nên lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng tăng cường dày đặc khiến lâm tặc không dám vào rừng vận chuyển, bỏ lại số gỗ trên. Tuy nhiên, cho đến nay Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy chưa lập biên bản, kiểm đếm gỗ tại hiện trường để báo cáo về vụ triệt hạ số gỗ cà chí này.
Gỗ cà chí đã xẻ hộp nằm tại hiện trường nhưng chủ rừng vẫn chưa phát hiện, đánh số, lập biên bản. Ảnh: PN
Một gốc cà chí đường kính gần 1 m tại hiện trường. Ảnh: PN
Ban Nội chính yêu cầu xử lý kiên quyết
Như vậy, chỉ từ tháng 11-2014 đến nay, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy đã để xảy ra bốn vụ phá rừng nghiêm trọng. Hàng trăm m3 gỗ quý như bằng lăng, dầu, cà chí bị triệt hạ. Tuy nhiên, lâm tặc chỉ mới vận chuyển ra khỏi rừng khoảng 50 m3 gỗ hộp bằng lăng.
Ngày 18-1, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tuần tới UBND tỉnh sẽ xem xét báo cáo của Sở NN&PTNT về vụ phá rừng Nà Dệt, Giếng Cọp ở Hàm Thuận Nam có dấu hiệu bảo kê mà đơn vị này đề nghị chuyển cơ quan điều tra. “UBND tỉnh Bình Thuận đang rất quan tâm đến vụ phá rừng tại Hàm Thuận Nam và vụ phá rừng Sông Lũy mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan làm rõ để xử lý” - vị lãnh đạo này nói.
Còn ông Hoàng Hữu Như, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận, thì cho biết: “Ban Nội chính theo dõi sát các vụ phá rừng này và sẽ đề nghị xử lý kiên quyết, cụ thể đối với từng vụ việc”.
Với cái đà phá rừng ồ ạt mà chúng tôi phát hiện vừa qua, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, chẳng bao lâu nữa rừng ở Bình Thuận sẽ không còn.
Về các vụ lâm tặc “tấn công” rừng phòng hộ Sông Lũy, đến nay Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vụ phá 42 gốc bằng lăng tại đỉnh Sa Mai. Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình cũng đang tiếp tục củng cố hồ sơ hai vụ phá rừng còn lại ở Sông Lũy để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Với vụ tàn sát hơn 1.000 cây rừng tự nhiên tại khu vực Nà Dệt, Giếng Cọp, Tà Nớ ở Hàm Thuận Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo ban đầu với UBND tỉnh Bình Thuận. Theo đó, có ít nhất hai cán bộ bảo vệ rừng, kiểm lâm và một lãnh đạo đơn vị chủ rừng (Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam) có liên quan trong vụ này. Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh thống nhất cho đơn vị này chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận làm rõ. |