Lâm tặc hạ cây dầu cực hiếm
Theo báo cáo ban đầu, ngày 17-12, lực lượng bảo vệ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy và Hạt Kiểm lâm Bắc Bình đã đưa một số phóng viên các cơ quan báo chí đến hiện trường vụ phá rừng tại khu vực sông Dú, thuộc tiểu khu 73A. Theo đó, chỉ có khoảng 60 m3 gỗ bị triệt hạ tại khu vực này. Cụ thể, lâm tặc đã triệt hạ gỗ, cưa xẻ tại chỗ và vận chuyển đi 25 m3, gỗ còn lại hiện trường khoảng 35 m3.
Để làm rõ lượng gỗ mà lâm tặc đã tàn sát, chúng tôi đã quay lại đỉnh Sa Mai (rừng phòng hộ Sông Lũy).
Chỉ cách hiện trường vụ phá rừng bằng lăng khoảng hơn 150 m đường chim bay về hướng đông bắc, lần theo dấu móc cáp của lâm tặc kéo gỗ khỏi sông Dú, vượt qua một ngọn đồi nhỏ là đã đến hiện trường tập kết gỗ. Tại đây, gỗ bằng lăng bị triệt hạ chưa kịp xẻ nằm vương vãi khắp nơi. Thỉnh thoảng mới có vài điểm cưa xẻ gỗ tại chỗ mà gỗ đã bị lấy đi, chỉ còn những đống mạt cưa to đùng và vài tấm ván bìa. Lâm tặc còn vứt lại một số can nhựa đựng dầu, nhớt mà họ đưa vào rừng dùng làm nhiên liệu cho cưa máy. Tại khu vực này có gần 50 gốc bằng lăng đường kính từ 70 đến 80 cm bị triệt hạ. Theo K’ Mang, người dẫn đường, căn cứ vào dấu nhựa cây, số gỗ ở bãi tập kết này bị triệt hạ khoảng đầu tháng 10-2014. Tức sau khi đốn hạ tại khu vực này, lâm tặc mới đổ bộ xuống sông Dú cách đó khoảng 150 m tiếp tục tàn sát rừng bằng lăng và xẻ gỗ tại chỗ.
Cây dầu cổ thụ được xem là cây gỗ lớn nhất ở Bình Thuận, tính thời điểm hiện nay, bị triệt hạ. Ảnh: PN
Cách bãi gỗ này khoảng vài chục mét, K’Mang đã sững người hú gọi chúng tôi khi phát hiện năm cây gỗ dầu đường kính trên 70 cm đã bị triệt hạ chỉ còn trơ gốc. Đặc biệt có một cây dầu khổng lồ lâm tặc mới chỉ cưa xẻ lấy đi một phần ngọn. Thử kéo thước đo, chúng tôi sững sờ khi đường kính gốc cây dầu này đến 2,36 m! Theo những thợ rừng, những cây cổ thụ có đường kính như vậy không còn ở rừng Bình Thuận. Với đường kính khủng như thế, cây dầu ước đã sống vài thế kỷ.
Theo dấu vết còn lại, để triệt hạ được gốc dầu khủng này, lâm tặc sử dụng cưa máy “mở miệng” nhiều đường cưa. Cả một vạt rừng cạnh đó bị ngã rạp, gãy đổ vì tán cây quá lớn.
Có hiện tượng che giấu phá rừng
Điều đặc biệt là trên gốc cây dầu cổ thụ này vẫn còn màu sơn đỏ của lực lượng bảo vệ rừng. Căn cứ vào số ký hiệu đánh dấu, gốc cây này được bảo vệ rừng phát hiện vào ngày 15-12-2014.
Rõ ràng bãi tập kết gỗ và địa điểm phá rừng này đã được phát hiện trước hai ngày (17-12) khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy và Hạt Kiểm lâm Bắc Bình đưa một số phóng viên của các cơ quan báo chí vào thực địa. Tuy nhiên, họ chỉ “giới thiệu” hiện trường vụ phá rừng ở sông Dú trong khi chỉ cách địa điểm trên 150 m, một vụ phá rừng quy mô không được đề cập.
Ngày 24-12, phóng viên ĐN, người có mặt trong đoàn đến hiện trường vụ phá rừng vào ngày 17-12, khẳng định: Chúng tôi chỉ được đưa đến khu vực sông Dú ở tiểu khu 73A mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh. Sau khi đến hiện trường chụp ảnh, quay phim, đoàn phóng viên được Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy cung cấp một bản báo cáo. Đối với khu vực gần 50 gốc bằng lăng và năm gốc dầu có gốc cổ thụ khủng, đoàn không hề được đưa đến.
Theo một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, chỉ tính riêng cây dầu cổ đường kính gốc 2,3 m, cao hơn 30 m, lượng gỗ của riêng cây này không dưới 40 m3! Tổng lượng gỗ bằng lăng và gỗ dầu tại địa điểm mới phát hiện này là gần 100 m3 và nó không hề thể hiện trong báo cáo.
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, từ các ngày 6, 12, 21 và 24-11, Trạm Bảo vệ rừng Sa Mai phát hiện, lập biên bản các vụ phá rừng bằng lăng tại tiểu khu 73A. Thực tế tại hiện trường số gỗ bị triệt hạ nằm cạnh nhau nhưng việc phát hiện lại lẻ tẻ. Ngoài ra, theo báo cáo thì ban quản lý phát hiện các vụ phá rừng từ đầu tháng 11-2014 nhưng hơn một tháng sau, ngày 11-12, đơn vị này mới có báo cáo là quá chậm. |