Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, do Bộ Nội vụ trình.
Tên gọi cụ thể các sở
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất có 16 sở, trong đó có 6 sở được giữ ổn định về tên gọi và chức năng, nhiệm vụ; 5 sở được hình thành sau khi thực hiện việc hợp nhất tương ứng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương; 5 sở có tiếp nhận, bổ sung chức năng.
Sau khi thực hiện việc sắp xếp, có 12 sở được tổ chức thống nhất và 6 sở tổ chức đặc thù.
Cụ thể, các sở được tổ chức thống nhất, gồm Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở KH&CN; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Sở VH-TT&DL; Thanh tra; Văn phòng UBND.
Trong đó, có 5 sở được hình thành từ việc hợp nhất từ 10 sở, ngành tương ứng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương; 4 sở được giữ nguyên và tiếp nhận, bổ sung chức năng, nhiệm vụ.
Sở Tài chính được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính.
Sở Xây dựng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng, không thực hiện chức năng, nhiệm vụ về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Sở Nông nghiệp và Môi trường, được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở TN&MT và Sở NN&PTNT, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý về giảm nghèo từ Sở LĐ-TB&XH.
Sở KH&CN được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở TT&TT và Sở KH&CN (chuyển chức năng quản lý về báo chí, xuất bản từ Sở TT&TT về Sở VH-TT&DL).
Sở Nội vụ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở LĐ-TB&XH và Sở Nội vụ. Sở này thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Nội vụ hiện nay và chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; bình đẳng giới; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội từ Sở LĐ-TB&XH.
Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội (không thực hiện nhiệm vụ về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma túy); quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở LĐ-TB&XH.
Sở GD&ĐT tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH.
Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Sở VH-TT&DL tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản từ Sở TT&TT.
Bốn sở được tổ chức đặc thù gồm Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch và Sở QH-KT. Trong đó có Sở Dân tộc và Tôn giáo được hình thành từ Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ, đổi tên thành Sở Dân tộc – Tôn giáo.
Đề xuất số lượng phó trưởng phòng
Về khung số lượng sở thuộc UBND cấp tỉnh, Bộ Nội vụ đề xuất đối với TP Hà Nội và TP.HCM được tổ chức 15 sở (chưa tính số sở tăng thêm theo quy định của Luật Thủ đô và sở được thí điểm thành lập).
TP Hà Nội và TP.HCM được quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất sở, bảo đảm phù hợp với đặc thù TP và không vượt quá số sở theo quy định.
Đối với các tỉnh, TP khác, căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương về ngành, lĩnh vực để tổ chức, sắp xếp các cơ quan chuyên môn, bảo đảm không vượt quá 13 sở; đối với cấp tỉnh loại 1 có lĩnh vực đặc thù thì không vượt quá 14 sở.
Như vậy bình quân mỗi sở có ba phó giám đốc. Tuy nhiên, dự thảo đề xuất đối với cấp tỉnh loại 2 được tăng thêm không quá 7 phó giám đốc; đối với cấp tỉnh loại 1 được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc; đối với TP Hà Nội và TP.HCM được tăng thêm không quá 15 phó giám đốc.
Căn cứ số lượng sở được thành lập, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của sở và tổng số lượng phó giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng phó giám đốc của từng sở cho phù hợp.
Số lượng cấp phó của các tổ chức thuộc sở, Bộ Nội vụ đề xuất có thêm quy định phòng thuộc sở của TP Hà Nội và TP.HCM khi có từ 20 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá bốn phó trưởng phòng (không áp dụng quy định này đối với Văn phòng sở).