Họp báo Chính phủ: Nóng chuyện thu chi ngân sách

Họp báo Chính phủ thường kỳ tối 29-10, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều vấn đề báo chí đặt ra trong đó nổi lên vấn đề thu chi ngân sách.

Họp báo Chính phủ: Nóng chuyện thu chi ngân sách ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015. Ảnh: VGP-VIỆT BẮC

Xài không hết dự toán phải trả lại

. Thu ngân sách đang rất khó khăn. Vậy để bù đắp thiếu hụt, Chính phủ huy động từ các nguồn nào?

+ Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Tổng thu ngân sách năm nay dự kiến tăng hơn 16.400 tỉ đồng nhưng cơ cấu thì lại tăng lớn ở thu ngân sách địa phương và giảm nhiều, 31.000 tỉ đồng, ở thu ngân sách trung ương. Để bù đắp phần giảm này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội (QH) xin bán bớt vốn tại một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN), dự kiến thu về 41.000 tỉ đồng. Trong số này, 10.000 tỉ đồng sẽ đưa vào ngân sách.

Số thiếu hụt còn lại, từ nay đến cuối năm sẽ quyết liệt rà soát các DN, cơ sở nộp thuế lớn như Liên doanh Dầu khí Việt-Xô, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt mà như vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã kết luận.

Chính phủ cũng sẽ quản lý chặt việc chi ngân sách. Đến ngày 31-12, đơn vị, bộ ngành, trung ương nào chưa sử dụng hết dự toán thì sẽ không cho chuyển nguồn sang năm sau mà thu hồi về ngân sách trung ương...

. Như vậy sẽ truy thu khoảng 480 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco như kết luận của Kiểm toán Nhà nước?

+ Đây là một giải pháp để chống thất thu ngân sách. Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Sabeco yêu cầu nộp ngân sách theo đúng kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Quản chặt chi tiêu

. Kinh nghiệm các nước là khi ngân sách khó khăn, việc đầu tiên là cắt giảm chi tiêu công, nhất là chi thường xuyên, sa thải bớt người làm hành chính sự nghiệp. Vậy Chính phủ có tính giải pháp này?

+ Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Từ đầu năm, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 06, yêu cầu các bộ ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên, trừ phần chi cho con người, tạm để đó chưa sử dụng. Ngoài ra Chính phủ cũng yêu cầu chưa được sử dụng quỹ dự phòng 3.500 tỉ đồng. Từ kết quả thu ngân sách trung ương khó khăn, tháng 9, Thủ tướng đã quyết định đưa khoản 10% tiết kiệm chi thường xuyên ấy, ở các bộ ngành, trung ương khoảng 650 tỉ đồng và quỹ dự phòng để bù vào ngân sách.

+ Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn: Trong điều kiện quản lý chặt chẽ chi tiêu công thì tinh giản biên chế cũng là một giải pháp quan trọng, không chỉ để giảm chi thường xuyên mà còn để tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp, như xác định vị trí việc làm để tính toán biên chế cho phù hợp với nhu cầu công việc. Đồng thời, tinh thần là giữ ổn định biên chế từ nay đến 2016, không tăng. Với số biên chế tinh giản được thì việc tuyển dụng bổ sung sẽ theo nguyên tắc ra 2 - vào 1.

. Thảo luận ở QH, một số ý kiến đề nghị khoản thu được từ thoái vốn từ các DNNN nên đầu tư vào các địa chỉ công ích cụ thể như bệnh viện, trường học chứ không dùng để bù thiếu hụt cho ngân sách. Chính phủ thấy thế nào?

+ Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chính phủ dự kiến sẽ sử dụng nguồn thu này để thực hiện chương trình nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho chương trình chống ngập lụt tại TP.HCM.

+ Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Chính phủ báo cáo QH lấy 10.000 tỉ đồng từ việc bán một phần vốn nhà nước tại DN để bù hụt thu ngân sách trung ương. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ đạo từ nay đến cuối năm phải tăng cường chống thất thu ngân sách, quản lý chặt chi tiêu. Trên cơ sở đó, cố gắng giảm ít nhất việc sử dụng từ khoản 10.000 tỉ này.

Tháng 3-2016 mới tính tiếp chuyện tăng lương

Phiên họp thường kỳ ngày 29-10, Chính phủ đã nghe Bộ Tài chính báo cáo về thu-chi, cân đối ngân sách 2015. Trên cơ sở phân tích tình hình, các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương.

Cho đến nay việc tăng lương cơ bản theo lộ trình mới được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức có mức lương thấp, dưới 2,34. Với phần còn lại, Chính phủ thấy rằng chưa thể bố trí được nguồn ngân sách. Vì vậy thực hiện theo phương án đã báo cáo Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối, dự kiến kỳ họp cuối cùng của QH khóa này, vào tháng 3 năm sau, Chính phủ sẽ trình QH phương án và thời điểm tăng lương.

Họ đã nói

. Đầu tháng 10, báo chí phản ánh Trung Quốc xả lũ bất ngờ đầu nguồn gây lũ bất thường trên thượng nguồn sông Hồng. Chính phủ có chỉ đạo gì giải quyết?

+ Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Trung Quốc đã xây dựng một số hồ chứa thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô, trong đó một số hồ gần khu vực biên giới. Từ năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi với các cơ quan hữu quan Trung Quốc để sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận bảo đảm chia sẻ, cung cấp thông tin, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường nước trên các sông suối biên giới.

Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng của Việt Nam còn rất hạn chế. Do vậy việc dự báo, cảnh báo trên các sông xuyên biên giới còn bị động, công tác chỉ đạo ứng phó của các địa phương còn khó khăn.

Sau việc xả lũ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ngày càng chủ động hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy