Lo nhà máy giấy tỉ đô ‘bức tử’ sông Hậu

Nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam (Tập đoàn Giấy Lee & Man - Hong Kong) đang được xây dựng tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang), dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoạt động.

Thời điểm năm 2007, khi dự án (vốn đầu tư 1,2 tỉ USD) bắt đầu khởi động, các bộ, ngành cũng như các chuyên gia đã yêu cầu phải tính toán, nghiên cứu kỹ vị trí của các nhà máy nằm ven sông Hậu vì lo ngại ảnh hưởng môi trường.

Sợ diệt thủy sản, môi trường

Tháng 5-2008, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp với một số bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, tư vấn và nhà đầu tư… để ghi nhận ý kiến đóng góp. Phía tỉnh khẳng định thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trình tự, thủ tục. Những lo ngại về hoạt động và nước thải của dự án này được mổ xẻ. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà đầu tư cũng khẳng định không gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.

Sau tám năm, khi dự án dự kiến đi vào hoạt động với công suất 420.000 tấn/năm, dư luận lại tiếp tục đặt vấn đề khu vực nhà máy giấy không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn. Đáng quan ngại hơn, trên một trang điện tử đưa ra thông tin “mỗi năm nhà máy Lee & Man sẽ thải ra khoảng 28.500 tấn xút. Vùng đặt nhà máy giấy là vùng trũng nhất của khu vực nên khó rửa trôi. Nước thải đổ ra sông Hậu và biển sẽ tiêu diệt nguồn thủy sản…”.

Không vì nghèo mà “quơ hốt”

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, khẳng định: “Dự án có đánh giá tác động môi trường và UBND tỉnh đã phê duyệt từ năm 2008. Hiện dự án đang thi công giai đoạn cuối và được giám sát chặt. Những gì mà dư luận cho rằng chủ đầu tư thực hiện chưa đúng, chưa đảm bảo, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, chấn chỉnh ngay”.

Cũng theo ông Chánh,  quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang từ trước đến nay không phải vì nghèo mà cái gì cũng “quơ hốt”. “Chúng tôi làm đúng quy định pháp luật, nhất là vấn đề môi trường” - ông Chánh nhấn mạnh.

Một góc khu nhà máy sản xuất giấy Lee & Man. Ảnh: GIA TUỆ

Vị trí nhà máy giấy và bột giấy nằm ven sông Hậu.

Đại diện phía Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cho biết thêm năm 2008, chủ đầu tư đã có báo cáo ĐTM và đã được tỉnh phê duyệt sau khi đề nghị Bộ TN&MT thẩm định.

Theo bà Nguyễn Lệ Phương, Phó Trưởng phòng Quản lý TN&MT (Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang), ngoài báo cáo ĐTM chung của dự án, phía chủ đầu tư còn lập báo cáo ĐTM của dự án nhà máy xử lý nước cấp, dự án bến cảng chuyên dùng quốc tế và dự án nhà máy nhiệt điện Lee & Man công suất 125 MW. Các báo cáo ĐTM nói trên lần lượt được tỉnh Hậu Giang thẩm định, phê duyệt trong các năm 2014 và 2015.

Không có khu xử lý nước thải trung tâm

Khi PV hỏi về vấn đề xử lý nước thải, bà Nguyễn Lệ Phương cho biết: Năm 2008, theo phương án được phê duyệt, nhà máy xử lý nước thải có công suất 180.000 m3/ngày đêm. Trong đó, giai đoạn 1 xây nhà máy có công suất xử lý 50.000 m3/ngày đêm. Nhà máy đang lắp thiết bị để tháng 7-2016 vận hành thử nghiệm. Phía chủ đầu tư cam kết hệ thống xử lý nước thải sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm đảm bảo đạt tiêu chuẩn A trước khi thải ra môi trường.

PV đặt vấn đề tại cụm công nghiệp - nơi đặt vị trí nhà máy giấy, có khu trung tâm tiếp nhận nước thải của các doanh nghiệp để xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường bên ngoài hay không. Bà Phương cho biết: “Khu vực này không có, phía nhà máy xử lý theo cam kết đạt chuẩn A rồi thải ra sông Hậu”.

Vậy làm sao để đảm bảo việc nước thải đạt chuẩn A trước khi đưa ra sông Hậu? Bà Phương nói: “Trong các hạng mục có gắn thiết bị để giám sát, theo dõi và truyền thẳng về Sở TN&MT tỉnh. Bộ phận chuyên môn của Sở sẽ thực hiện việc giám sát vấn đề này”.

Xút không xả thẳng ra sông Hậu

Lý giải về thông tin mà dư luận đang đặt ra là hàng chục ngàn tấn xút sẽ thải ra bên ngoài, gây nguy hại cho môi trường nước, một cán bộ có trách nhiệm của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cho biết: “Theo báo cáo ĐTM tổng thể dự án đã được phê duyệt vào năm 2008, nhà máy Lee & Man sẽ sử dụng 215.217 kg xút/ngày cho hoạt động sản xuất giấy. Quá trình sản xuất xút được sử dụng trong một quy trình tuần hoàn (một phần được tái sử dụng) nên lượng xút trong nước thải cũng rất thấp. Chất thải này được thu gom lại, tập trung về nhà máy xử lý, đảm bảo theo tiêu chuẩn. Không có chuyện xút sau khi sử dụng được thải thẳng ra sông Hậu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm