Luật Đặc xá: Chưa bồi thường cũng được đặc xá

Đó là điểm mới trong tờ trình dự án Luật Đặc xá, được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, thay mặt Chính phủ đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 21-5.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dự thảo Luật Đặc xá.

Ông Tô Lâm cho biết trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo đó, luật sẽ sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn diện đối tượng có thể được đề nghị đặc xá so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007 và diện người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

“Cụ thể, bổ sung quy định Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá đối với một số trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí; chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá…” - ông Tô Lâm thông tin.

Liên quan đến quy định này, Báo cáo thẩm tra Luật Đặc xá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh BLHS năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm ba đợt.

Khoản 1 Điều 10 của dự thảo luật đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của BLHS. Nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa.

Ngược lại, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian qua. Vì vậy ý kiến này cho rằng trong khi Nhà nước ta đang có đồng thời nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án phạt tù thì để quán triệt đúng quan điểm đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước và khắc phục được hạn chế của công tác đặc xá như thời gian qua, dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng: Chỉ quy định đặc xá đối với các trường hợp tại khoản 2 Điều 10 của dự thảo luật.

Theo đó về đối tượng, chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…

Về điều kiện, có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì nên quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện quy định tại Điều 66 của BLHS.

Ngoài ra, một số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định cụ thể trong luật các điều kiện được đề nghị đặc xá mà dành cho Chủ tịch nước quyền quyết định trong từng lần xét đặc xá sau khi đã cân nhắc đầy đủ các yếu tố về chính trị-xã hội, đối nội, đối ngoại, tình hình tội phạm… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên giữ như hiện hành.

 

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung việc đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài. Cụ thể, “Khi có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân và đề nghị phối hợp thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân nhưng các cơ quan này không đến nhận hoặc chưa đến nhận thì người nước ngoài được đặc xá được bố trí lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm các thủ tục cần thiết” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm