Ly hôn vướng chuyện nợ nần

Tháng 11-2010, chị K. nộp đơn đến TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) để xin ly hôn. Tuy nhiên, vụ ly hôn đến nay vẫn ngổn ngang vì nhiều món nợ xuất hiện.

Ly hôn vướng chuyện nợ nần ảnh 1

Món nợ “trời ơi” của chồng

Kéo dài để chồng trả hết nợ

Mới đây, gia đình chị T. đã ra TAND quận Tân Phú (TP.HCM) đòi ly hôn. Sau đó, phía chị T. nhờ luật sư tư vấn tìm cách giúp chị kéo dài thời gian giải quyết ly hôn “càng lâu càng tốt”. Lý do không phải vì chị còn yêu thương gì chồng mà chỉ là để chồng chị trả hết các khoản nợ chung. Bởi vợ chồng chị vay của ngân hàng 2 tỉ đồng, hiện đã trả được một nửa. Chồng chị có thu nhập cao, tiền lãi vay và vốn gốc của ngân hàng hằng tháng là do chồng chị trả. Vì vậy, chị sợ ly hôn trong giai đoạn này, tòa án chia đôi nợ, mà chị là nội trợ vốn không có khả năng để trả nợ. Hiện vụ việc đang được tòa xem xét...

Chị K. cho biết chồng chị suốt ngày rượu chè bê tha, không chịu làm ăn để chị một mình bươn chải nuôi con lẫn chồng. Nhiều lần chồng chị còn mượn nợ khiến chị phải chạy đôn chạy đáo trả thay. Nay đã hết sức chịu đựng, chị mong muốn được ly hôn nhằm thoát khỏi cảnh cơ cực này để có điều kiện nuôi con.

Khi tòa thụ lý, chồng chị K. liệt kê một bản dài các khoản nợ như vay tiền sửa nhà, vay vốn mở quán, tiền chữa bệnh… trị giá hơn trăm triệu đồng gửi đến tòa để nhờ giải quyết.

Phản bác, chị K. bảo đúng là có nói chồng đi vay để về sửa nhà, mở quán nhưng chồng sau đó đã bảo là không vay được nên chị phải tự tích góp để trang trải. Chị không nhận đồng nào từ chồng nên không thể nai lưng ra trả.

Chính vì sự thiếu thống nhất của hai vợ chồng mà đến nay vụ án ly hôn chưa thể giải quyết xong.

Nhập nhằng nợ chung, riêng

Mới đây, TAND TP.HCM cũng giải quyết một vụ ly hôn khá rắc rối khi vợ chồng đua nhau kể nợ và biến nó thành món nợ chung lên đến trên 20 tỉ đồng. Ban đầu vợ chồng chị T. chỉ nộp đơn xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung khoảng 7 tỉ đồng. Thế nhưng ra tòa, hai vợ chồng lại tranh cãi quyết liệt về những khoản nợ mà ở phút 89 cả hai mới khai báo. Người chồng cho rằng cả hai vợ chồng đã nợ số tiền trên. Tuy nhiên, phía người vợ lại nói rằng đó là nợ riêng của chồng, chị không hề biết đến... Cũng vì sự tranh chấp này mà tòa đã phải hoãn tới hoãn lui nhiều lần, chưa thể xử lý xong.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM kể lại về một vụ ly hôn của cặp vợ chồng Việt kiều. Anh H. từ Mỹ về nước làm ăn, quen biết chị L. rồi kết hôn. Sau bốn năm chung sống, không chịu được thói trăng hoa của chồng, chị L. nộp đơn đến tòa yêu cầu giải quyết cho “đường ai nấy đi”. Nhưng đến ngày tòa xử, chủ nợ kéo nhau đến. Tòa phải tạm hoãn để xác định tài sản chung và nợ nần của đôi bên...

Gian nan giải quyết

Các chuyên gia pháp lý phân tích, khi giải quyết ly hôn, nếu một hoặc cả hai bên có yêu cầu giải quyết vấn đề nợ chung hoặc các chủ nợ có đơn yêu cầu giải quyết việc trả nợ thì tòa án sẽ kết hợp giải quyết trong cùng một vụ án.

Thực tế có trường hợp vợ hoặc chồng thường gây khó khăn cho nhau và nêu ra những khoản nợ có thực và không có thực. Việc tranh chấp nợ chung, nợ riêng của hai vợ chồng trở nên gay cấn. Quan hệ hôn nhân là quan hệ chính, quan hệ nợ là quan hệ kéo theo nhưng quan hệ kéo theo đó lại chiếm nhiều thời gian tố tụng và phức tạp hơn. Có vụ vợ chồng mâu thuẫn là rất trầm trọng nhưng tòa chưa thu thập được chứng cứ về nợ chung nên vẫn chưa có cơ sở giải quyết việc ly hôn. Nhiều trường hợp ở cấp sơ thẩm vợ chồng không khai nợ hay liệt kê không đầy đủ các khoản nợ nhưng sau đó một bên đương sự lại kháng cáo nêu các khoản nợ chung làm bản án bị hủy oan.

Nhiều thẩm phán tâm sự không ít vụ ly hôn khi xét đến các khoản nợ nần dù biết chắc rằng đó là khoản nợ riêng nhưng họ vẫn buộc phải xử nợ chung của hai người. Đơn giản vì người kia không thể đưa ra được bằng chứng gì để chứng minh đó là nợ riêng của chồng hay vợ. Theo Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.

Họ đã nói

Xét mục đích để định nợ chung hay riêng

Trên thực tế, tôi thấy đối với các khoản nợ, khi xét xử, nhiều thẩm phán “máy móc” chỉ căn cứ vào những giấy nợ có chữ ký của hai vợ chồng để xác định đó là nợ chung hay nợ riêng. Trong khi có món nợ là có thật và vì mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình mà trong đời sống hôn nhân chỉ do chồng hoặc vợ ký. Theo tôi, để xác định nợ chung hay nợ riêng nên căn cứ vào mục đích của việc vay chứ không phải căn cứ đơn thuần về mặt hình thức.

Luật sư PHẠM TẤT THẮNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nợ của gia đình, cả hai cùng trả

Nhu cầu thiết yếu của gia đình là ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, việc học hành của con trẻ... Với những giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt, tiêu dùng trong gia đình, pháp luật không bắt buộc cả vợ và chồng cùng ký tên vay hoặc khi vay phải hỏi ý kiến người kia.

Khi phải liên đới cùng trả nợ vay, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều. Nếu một bên hiện thất nghiệp hay ở nhà nội trợ, nuôi con… không làm ra tiền thì bên còn lại nếu có thu nhập thì phải trả đủ các nghĩa vụ dân sự về tài sản cho các chủ nợ.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

Có thể bị trả nợ oan

Việc xác định giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình là cả một vấn đề trần ai. Bởi thường những giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt, tiêu dùng trong gia đình được xác lập khi chỉ có một trong hai người vợ hoặc chồng. Khó thể xác định ý chí của người kia có đồng thuận không…

Vì thế nhiều người bị trả nợ oan trong án hôn nhân. Bởi khi ra tòa, người vợ hoặc chồng không có chứng cứ chứng minh nên nợ riêng biến thành nợ chung. Và họ phải cùng với phía kia trả những khoản nợ mà đáng lẽ không phải chịu trách nhiệm.

Luật sư LÊ VĂN HIỀN, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm