Mọi hành động của TQ ở Hoàng Sa, Trường Sa đều bất hợp pháp

Chiều 7-8 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức buổi họp báo thường kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) Lê Hải Bình chủ trì buổi họp.

Xác minh tin Trung Quốc đo đạc Hoàng Sa

Bày tỏ quan điểm về các hoạt động gần đây của Trung Quốc (TQ) trong việc khảo sát, đo đạc để xây ngọn hải đăng ở Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay thông tin trên đang được tích cực xác minh. Tuy nhiên, trước thông tin về hành động này cũng như việc TQ đưa gần 9.000 tàu cá trở lại biển Đông, ông Bình cũng tái khẳng định mọi hoạt động của các bên đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. “VN có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa, vì vậy mọi hoạt động của TQ trên hai quần đảo này đều là bất hợp pháp và vô giá trị” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nhấn mạnh.

Bình luận về việc TQ vẫn trì hoãn hợp tác cùng ASEAN ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), ông Lê Hải Bình nêu quan điểm: “VN chia sẻ quan điểm chung của ASEAN rằng cần phải sớm có một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông có tính tổng thể, ràng buộc nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Các bên cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy tham vấn một cách tích cực và thực chất nhằm sớm tiến tới đạt được bộ quy tắc ứng xử này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, ông Bình cũng thông tin thêm, tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tới đây, VN sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc tăng cường vai trò của ARF trong đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực, đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp ứng phó phòng ngừa. Đồng thời tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở các nguyên tắc cũng như các thể thức đã được thỏa thuận.

Đã có 246 lao động rời khỏi Libya

Tiếp tục thông tin về tình hình công dân VN tại một số điểm nóng trên thế giới, ông Lê Hải Bình cho biết tính đến ngày 7-8, số lao động người VN rời khỏi Libya là 246 người. Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang phối hợp với các cơ quan đại diện tại Libya, Công ty Thái tử - công ty xuất khẩu lao động sang Libya để có những biện pháp hỗ trợ công nhân làm việc tại Libya. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm cho Đại sứ quán VN tại Philippines và Đại sứ quán Thái Lan tại VN để cùng phối hợp, hỗ trợ trong việc đưa công dân VN ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Các cơ quan đại diện VN tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria cũng đang làm việc rất tích cực với cơ quan chức năng của các nước này để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động VN quá cảnh qua các nước có thể về nước (hiện Ai Cập đã chấp thuận mở cửa khẩu cho công dân VN quá cảnh). Trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các đợt đưa người lao động VN tại Libya về nước qua đường hàng không.

Về công dân VN tại Ukraine, ông Bình cho biết đến nay, Đại sứ quán VN tại Ukraine vẫn đang duy trì mọi nỗ lực của mình trong công tác bảo hộ công dân của mình, đặc biệt trong tình hình tại đông Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trả lời câu hỏi: Liệu với những biến động của quốc tế như trên, VN có tính đến việc hạn chế đưa lao động sang những khu vực nhạy cảm hay không, ông Bình bày tỏ: Việc đưa người lao động làm việc tại nước ngoài dựa trên năng lực cung cấp lao động, tình hình thực tiễn tại thị trường, nhu cầu tại thị trường.

VIẾT THỊNH

Hỗ trợ vé máy bay cho người lao động về nước

Liên quan đến tình hình người lao động VN tại Libya về nước do tình hình xung đột giữa các phe đối lập, ngày 7-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Sau khi sơ tán và di chuyển lao động VN về biên giới Ai Cập và một số nơi an toàn. Đại sứ quán VN tại Ai Cập sẽ cử người đón những lao động này về thủ đô Cairo (Ai Cập) và từ đây các doanh nghiệp sẽ phải mua vé máy bay cho người lao động về nước. Với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả, ngoài việc thương lượng yêu cầu các chủ sử dụng lao động thực hiện theo hợp đồng thì trước mắt Bộ sẽ sử dụng quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho lao động về nước. Ngoài ra, những lao động về nước sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/người.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm