Muốn học lái xe phải khám tám chuyên khoa

Từ 4-1-2016, những người theo học lái xe không còn chuyện mang giấy khám sức khỏe chỉ có một trang A4 đến nộp cho các trường, cơ sở đào tạo lái xe như trước nay mà giấy này phải có đến bốn trang, có đủ chữ ký của bác sĩ ở tám chuyên khoa. Thậm chí còn phải nộp kèm các xét nghiệm lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ mới có cửa được học lái xe.

Phải qua “vòng xét hỏi”

Quy định này không chỉ áp dụng cho người mới bắt đầu học lái mà còn bắt buộc với những người đang hành nghề lái xe qua tái khám định kỳ theo tiêu chuẩn mới, theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 24)

Theo Thông tư 24, người học lái xe và tài xế tái khám định kỳ, trong giấy khám sức khỏe phải khai đủ tiền sử, bệnh sử của gia đình. Sau đó người đi khám sẽ phải qua “vòng xét hỏi” của bác sĩ về tiền sử, bệnh sử. Qua được cửa này, người đi khám mới được khám đủ tám chuyên khoa lâm sàng là: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và chuyên khoa nội tiết (phụ nữ có thêm khoa thai sản).

Ở khâu khám cận lâm sàng có các xét nghiệm bắt buộc về ma túy, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở và các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ (huyết học, sinh hóa, X-quang hoặc các xét nghiệm khác…).

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ, việc người đi khám sức khỏe phải qua nhiều vòng như vậy nhằm đảm bảo người đi học lái xe, người tái khám hội đủ điều kiện về sức khỏe. Ngay số lượng trang giấy khám cũng đã phần nào phản ánh mức độ chi tiết, chặt chẽ của khám sức khỏe theo tiêu chuẩn mới. “Trước đây tờ khám sức khỏe chỉ có một trang A4, nay sẽ là bốn trang; riêng phần tự khai và báo tiền sử bệnh của gia đình và bản thân đã chiếm hơn một trang rưỡi giấy A4. Một nét mới nữa là thời gian hiệu lực của giấy khám sức khỏe theo cách cũ là một năm, trong khi theo tiêu chuẩn mới chỉ có giá trị trong vòng sáu tháng” - ông Dũng nói.

Ông cũng thông tin: Những thanh niên có khuôn mặt bặm trợn, ngái ngủ, xăm trổ sẽ được “để mắt”, test đủ dạng ma túy nhằm phát hiện người đang lái xe, người chuẩn bị vào nghề lái xe có bị nghiện hay không để loại ngay từ đầu, tránh gây họa về sau.

Còn ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM, ở vòng khám cận lâm sàng sẽ tập trung vào xét nghiệm ma túy với đủ phần test morphin, amphetamin, methamphetamin và cần sa…

Khám sức khỏe cho người theo học lái xe hiện nay. Ảnh minh họa: LƯU ĐỨC

Tốn nhiều tiền hơn

Cũng theo ông Nhân, với nhiều khâu, nội dung và khoa khám chuyên sâu như trên thì người theo học, người đang lái xe sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn.

Chỉ riêng thời gian đi quanh một bệnh viện khám cho hết tám chuyên khoa cũng mất cả ngày, chưa kể thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm máu… Người đi khám sức khỏe theo dịch vụ của các bệnh viện, cơ sở y tế sẽ tốn cả triệu đồng nếu được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, sinh hóa, huyết học…

“Sở GTVT khuyến khích các trường, cơ sở đào tạo lái xe liên kết với các bệnh viện, cơ sở y tế đủ thẩm quyền mở phòng dịch vụ khám sức khỏe “cả gói”, đúng chuẩn ngay tại chỗ. Như thế sẽ tiện cho người dân” - ông Nhân nói.

Theo danh sách của Sở Y tế TP.HCM, đến cuối năm 2015 có hơn 110 cơ sở y tế công lập và tư nhân, phòng khám đa khoa… đủ tiêu chuẩn thực hiện khám sức khỏe lái xe.

Hiện chỉ có Trường lái xe Tiến Bộ (quận Tân Phú) đã nâng cấp phòng khám tại chỗ đủ tiêu chuẩn theo Thông tư 24 (giá tiền khám 160.000-180.000 đồng/người học bằng A1); thời gian khám dự tính khoảng 30-45 phút cho một trường hợp.

Khám “chạy” trước giờ G cũng không… thoát

Trong tuần qua, trước thông tin sẽ siết khám sức khỏe lái xe, nhiều người (chủ yếu là người đang lái xe hoặc dự định theo nghề lái xe) đã đi khám “chạy” tại các phòng khám ở các trường, cơ sở đào tạo lái xe. Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Nhân, giấy khám sức khỏe lái xe để học hoặc tái khám để hành nghề chỉ có giá trị sáu tháng. Còn người hành nghề lái xe phải tái khám định kỳ một năm/lần “nên có “chạy” khám trước giờ G, người nghiện ma túy, nghiện rượu… cũng khó thoát!” - ông Nhân nói.

Các bệnh tật không được lái xe

Tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái xe được chia theo ba nhóm: hạng A1 (xe máy hai bánh có dung tích xylanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3); hạng B1 (ô tô chở người dưới chín chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) và hạng lái xe A2, A3, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE...

Thông tư 24 bỏ quy định về chiều cao, cân nặng, ngực lép, bàn tay bàn chân mất hoặc thừa một ngón… nhưng quy định các bệnh tật sau sẽ không được lái xe.

+ Với hạng A1, những người mắc một trong các bệnh, tật: Rối loạn nhận biết ba màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; thị lực nhìn xa hai mắt dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính), còn một mắt, thị lực dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

Đang rối loạn tâm thần cấp; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi…

+ Với người lái xe hạng B1: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ sáu tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi. Chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý. Thị lực nhìn xa hai mắt dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); nếu còn một mắt, thị lực dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

+ Với những người lái xe các hạng A2 đến FE: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính. Thị lực nhìn xa từng mắt: Mắt tốt dưới 8/10 hoặc mắt kém dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); tật khúc xạ có số kính: trên 5 diop hoặc trên 8 diop; các bệnh chói sáng, quáng gà. Cụt hoặc mất chức năng hai ngón tay của một bàn tay trở lên hoặc cụt hoặc mất chức năng một bàn chân trở lên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy