Ngày 15-6, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, xác nhận tỉnh đang xúc tiến các thủ tục để giao đất cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt. Tỉnh chấp nhận hy sinh một diện tích rất lớn rừng tự nhiên để đổi lấy dự án kinh tế này.
Xóa sổ gần 630 ha rừng tự nhiên
Theo quyết định của UBND tỉnh Phú Yên, dự án chăn nuôi bò thịt này được sử dụng 4.635 ha đất ở ba huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Tây Hòa trong 50 năm. Dự án này sẽ chăn nuôi bò lấy thịt, cung cấp con giống… Trước mắt, dự án tập trung xây dựng các trại nuôi bò thịt, khu giết mổ tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. “UBND huyện đã ra thông báo thu hồi 740 ha rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý để thực hiện dự án” - ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thông tin.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, cho biết thêm trong số diện tích trên có gần 630 ha rừng tự nhiên. Các khu rừng tự nhiên này nằm liền kề rừng phòng hộ. Kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT cho thấy diện tích rừng tự nhiên này có tổng trữ lượng 36.749 m3 gỗ, bình quân 58,5 m3 gỗ/ha. Sở TN&MT đang làm thủ tục đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng trên.
PV thắc mắc vì sao nguồn đất sản xuất còn nhiều mà lại giao rừng tự nhiên thì ông Toại nói huyện không có thẩm quyền chọn. Ông Nguyễn Danh Nam, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên, cũng giải thích doanh nghiệp không đề xuất địa điểm. Tuy vậy, theo một cán bộ Văn phòng UBND tỉnh, nhà đầu tư cùng các sở NN&PTNT, TN&MT chọn địa điểm rồi được UBND tỉnh thống nhất.
Rừng ở tiểu khu 310 thuộc xã Sông Hinh sẽ bị xóa sổ để làm dự án chăn nuôi bò. Ảnh: HOÀI QUỐC
Chưa rõ hiệu quả vẫn sẵn sàng chặt rừng
Ngày 6-5, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh trong vòng 15 ngày phải hoàn tất hồ sơ thiết kế khai thác ba khu vực rừng, trong đó có hai khu là rừng tự nhiên để khi đủ điều kiện thì khai thác ngay. Thời gian khai thác thực hiện khoảng 30 ngày để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư… “Việc nhiều người lo lắng khi mất diện tích rừng tự nhiên quá lớn là có cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi tìm mãi rồi mà không có đất nên phải chọn nơi đó” (?!) - ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh, giải thích.
Điều khiến nhiều người thắc mắc là trong khi dự án chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chưa chuyển mục đích sử dụng thì chính quyền đã khẩn trương thu hồi đất rừng, chuẩn bị khai thác rừng để giao cho nhà đầu tư. “Tỉnh yêu cầu huyện phải hoàn thành thu hồi đất rừng trước ngày 30-4 nhưng chúng tôi làm không kịp” - ông Toại nói.
Sở KH&ĐT cũng nhìn nhận đây là lần đầu tiên ở tỉnh này một dự án kinh tế được hưởng “cơ chế đặc thù” như vậy. Ngoài ra, trả lời PV, lãnh đạo huyện Sông Hinh và một số sở liên quan còn cho hay đến nay họ vẫn chưa biết hiệu quả của dự án trên ra sao.
Ông Hoàng Văn Trà cho rằng đây là dự án trọng điểm nên tỉnh đang tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư. “Nhà đầu tư đề nghị giao đất sớm để xây chuồng trại, kịp nhập bò. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định cho dự án được thực hiện theo cơ chế đặc thù, tức là làm đồng thời nhiều việc như lập phương án bồi thường, thu hồi đất rừng giao cho nhà đầu tư, đánh giá tác động môi trường, lập phương án trồng lại rừng… Chúng tôi cũng đang chờ Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM cho dự án” - ông Trà nói.
Việc trồng rừng thay thế rất mơ hồ Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết Công ty Thảo Nguyên cam kết sẽ trồng rừng thay thế cho diện tích rừng bị mất. Tuy nhiên, công ty này chưa có phương án trồng rừng thay thế. Một cán bộ huyện Sông Hinh nói: “Việc trồng rừng thay thế rất mơ hồ. Thủy điện đã lấy đi bao nhiêu rừng, đến giờ có trồng lại đâu. Hơn nữa, quỹ đất cũng không còn để trồng”. Ông Nguyên cho rằng nếu không có quỹ đất để trồng rừng thì doanh nghiệp nộp tiền vô quỹ bảo vệ phát triển rừng. Nếu tỉnh không có đất thì chuyển tiền đó qua tỉnh khác để họ trồng (?!). Trong khi đó, ông Ngô Quang Phú, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết chủ đầu tư đang phối hợp đơn vị tư vấn lập ĐTM của dự án. Việc xem xét, duyệt ĐTM như thế nào thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT. “Đúng ra việc phê duyệt ĐTM phải được thực hiện trước mới tiến hành các bước của dự án. Nhưng để kịp tiến độ tỉnh cho phép làm vậy” - ông Phú nói. Dân phải “thu lúa non” rồi giao đất Cơ quan chức năng cũng thông báo thu hồi gần 44 ha đất nương rẫy của người dân để phục vụ dự án trên. Theo yêu cầu, người dân phải hoàn thành việc thu hoạch các loại cây cối, hoa màu như sắn mì, lúa, rừng trồng trước ngày 10-7 để giao mặt bằng. Trong khi đến tháng 11 hoặc tháng 12-2016, sắn mì mới đến thời vụ thu hoạch. Ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), thừa nhận người dân địa phương lâu nay phải nhường đất sản xuất cho thủy điện. Khi thực hiện dự án này, đời sống người dân sẽ càng khó khăn. “Nhiều người dân đã phải vào tù khi phát dọn vài hecta rừng để trồng trọt mưu sinh. Dù vậy, lâu nay người dân đã cùng chính quyền nỗ lực giữ rừng và bảo vệ rừng rất tốt. Nếu lấy đi mấy trăm hecta rừng thì người dân sẽ so bì. Họ nói Nhà nước cho doanh nghiệp phá rừng thì họ cũng phá rừng được” - ông Hải nói thêm. |