QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Phải siết bội chi ngân sách

Bội chi ngân sách, nợ công, minh bạch trong quản lý quỹ đóng góp của người dân… là những vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi vào ngày 2-6.

Nên cố định mức trần “xài thêm”

“Trong những năm qua, khi trình quyết toán ngân sách nhà nước thì chi thường vượt lớn. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 chi đã vượt trên 110.000 tỉ đồng. Vậy ở lần sửa đổi này, luật ngân sách có ngăn chặn được việc chi vượt dự toán lớn không? Tôi cho rằng ở lần sửa đổi này, luật chỉ hạn chế được tồn tại trên mà thôi!” - đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nêu vấn đề.

Nguyên nhân của tình trạng chi vượt dự toán ngân sách so với dự toán do Quốc hội quyết định theo đại biểu Thụ trước tiên là do không quản lý được ngân sách, dẫn đến tăng chi so với dự toán được duyệt. Mặt khác theo quy định, được ứng trước dự toán năm sau để bổ sung vào chi; cho phép được chuyển nguồn ngân sách từ năm này sang năm sau; cho phép trong trường hợp cần thiết, Chính phủ sử dụng dự trữ tài chính và mức sử dụng dự trữ tài chính nâng lên từ 30% lên 70%.

“Như vậy, khi sử dụng các nguồn này, dẫn đến thực chi sẽ vượt quá so với dự toán chi mà Quốc hội đã duyệt. Tiếc thay, dự thảo luật lần này cũng quy định như Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành” - đại biểu Thụ nhìn nhận.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Thụ đề nghị trong dự thảo quy định mức trần được sử dụng nguồn tăng thêm ngoài mức chi do Quốc hội quyết định. Cùng với đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, điều hành ngân sách.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Bùi Đức Thụ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Không thể vay mới để trả nợ cũ

Một điểm mới trong dự thảo luật này cũng gây ra nhiều tranh luận là: “Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để trả hết nợ lãi khi đến hạn. Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn thì được bố trí từ các khoản vay mới để thực hiện”.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng theo quy định hiện hành, vay bội chi ngân sách chỉ để bù đắp thiếu hụt cho đầu tư phát triển, không có chuyện vay để làm việc khác. Ta đã có một lần dùng vay bội chi vào trả nợ, đã phá rào, trên cơ sở Quốc hội đã xem xét. Thế nhưng kỳ này ta đưa hẳn vào luật là để trả nợ lãi vay đến hạn, rồi vay mới về để trả nợ cũ. “Nên chăng ta quay trở lại quy định cũ, chỉ vay để đầu tư phát triển. Một nền kinh tế không thể ổn định khi luôn bội chi” - ông Khanh nói.

Đồng tình, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng: “Trong khi nợ công của ta đang cao như hiện nay, nếu quy định như vậy, khi đến hạn trả nợ gốc lại đi vay mới để trả thì e rằng rất khó khăn. Điều này không buộc ta phải tiết kiệm ngân sách để trả nợ.”

Báo cáo quyết toán ngân sách không còn đóng dấu mật

Trong kỳ họp này, khi nhận báo cáo quyết toán ngân sách năm 2013, tôi không thấy chụp dấu mật như những kỳ họp trước nữa. Tôi thấy đó là sự công khai, minh bạch và dân chủ hơn. Trước đây, cứ cầm báo cáo về ngân sách mà có đóng dấu mật là tôi rất ngại! Đem về địa phương thấy rất lo! Vậy Quốc hội công khai ở chỗ nào? Những vấn đề này người dân có quyền được biết chứ tại sao lại không?

Đại biểu LÊ ĐÌNH KHANH, Hải Dương

Cần quy định trách nhiệm giải trình về các loại quỹ dân đóng góp

Đề nghị các loại quỹ có đóng góp của Nhà nước, đóng góp của người dân thì phải được công khai. Cùng với đó, hằng năm các quỹ này phải chịu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong dự thảo đã định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai ngân sách nhà nước nhưng chưa quy định cụ thể về đối tượng cần công khai. Đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải trình trước Quốc hội và HĐND các cấp về việc thu chi để đảm bảo việc công khai, minh bạch hơn.

Đại biểu KHÚC THỊ DUYỀN, Thái Bình

Vi phạm hầu hết ở các khâu

Qua báo cáo kiểm toán hằng năm đều bộc lộ hạn chế cố hữu, đó là kỷ cương, kỷ luật tài chính không nghiêm, vi phạm ở hầu hết các khâu, xảy ra ở tất cả đơn vị được kiểm toán. Tình trạng lãng phí, tùy tiện không giảm. Việc sửa luật phải khắc phục điều này.

Đại biểu TRƯƠNG THỊ HUỆ, Thái Nguyên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm