Ngày 4-12, một số đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận cho hay sẽ chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau tại kỳ họp thứ 3 của HĐND tỉnh này (dự kiến khai mạc vào ngày mai 6-12). Cụ thể là chủ trương xin cắt giảm 1.060 ha của UBND tỉnh Bình Thuận và đề xuất đổ 1,5 triệu m3 thải nạo vét xuống khu vực này của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, bày tỏ sự băn khoăn về diện tích Khu bảo tồn Hòn Cau mà UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất cắt giảm. “Vì sao văn bản của UBND tỉnh đã nói rõ diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau chồng lấn cảng tổng hợp Vĩnh Tân là 142 ha, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 300 ha và tuyến luồng vào cảng 150 ha. Tổng cộng diện tích chồng lấn chiếm chưa đến 600 ha nhưng UBND tỉnh Bình Thuận lại đề nghị cắt giảm diện tích lên đến 1.060 ha?” - ông Thiện đặt câu hỏi.
Ông Thiện cũng cho rằng vùng phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn biển Hòn Cau là rất quan trọng và diện tích chỉ có 800 ha nhưng tỉnh lại đề xuất cắt giảm đến hơn 200 ha là cần phải cân nhắc và tính toán một cách khoa học.
Về việc xin phép xả 1,5 triệu m3 thải nạo vét xuống vùng biển cách Khu bảo tồn Hòn Cau hơn 500 m, nhiều cử tri Bình Thuận cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Trong văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh trước kỳ họp, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Vị trí đổ thải gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau có hệ sinh thái biển phong phú, nằm trong ngư trường hoạt động của ngư dân địa phương, liên quan khu vực lấy nước biển nuôi tôm giống, nuôi cá lồng bè ở Vĩnh Tân. Vì vậy việc nhận chìm một khối lượng lớn vật liệu nạo vét ở đây có khả năng gây ô nhiễm môi trường biển, tác động đến hệ sinh thái của Khu bảo tồn Hòn Cau và các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương”.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, khối lượng nạo vét lớn, nếu lưu giữ, xử lý trên đất liền thì khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm rất lớn. Do đó việc xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế-xã hội và môi trường. UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét đề xuất của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1, lựa chọn vị trí khác sao cho giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển trong khu vực, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp hệ sinh thái Khu bảo tồn biển Hòn Cau… Đồng thời phải lập hội đồng độc lập rà soát, phản biện với các đề xuất của chủ đầu tư, nếu khả thi và đảm bảo các vấn đề môi trường mới xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng quá trình thực hiện phương án nhận chìm ở biển phải tăng cường và thực hiện nghiêm túc các biện pháp giám sát. Việc giám sát phải thường xuyên có sự tham gia của các cơ quan chức năng Bộ TN&MT, chính quyền tỉnh Bình Thuận, Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận và cộng đồng dân cư.
Cơ quan này cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét, đánh giá và phê duyệt lại toàn bộ chín báo cáo đánh giá tác động môi trường của cảng tổng hợp Vĩnh Tân và các nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trong đó có mời các nhà khoa học và các đơn vị tư vấn độc lập tham gia phản biện theo hướng tận dụng tối đa khối lượng nạo vét để san lấp mặt bằng các cơ sở này để giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường của toàn khu vực.