Tình cảm gần gũi của người dân dành cho lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Abyei.

10 năm Bộ đội Cụ Hồ tham gia gìn giữ hòa bình: Dấu chân Bộ đội Cụ Hồ ở châu Phi

(PLO)- Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình đến bạn bè quốc tế.

Ngày 27-5-2014, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam (VN) do cố Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì. 10 năm, dấu chân của những người lính Cụ Hồ ở châu Phi đã góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người VN yêu chuộng hòa bình đến bạn bè quốc tế.

10 năm Bộ đội Cụ Hồ tham gia gìn giữ hòa bình: Dấu chân Bộ đội Cụ Hồ ở châu Phi
Tình cảm gần gũi của người dân dành cho lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Abyei.
Ảnh: BS Vân Anh

Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng ban Phụ nữ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) VN, một trong hai người đầu tiên được cử tới Phái bộ Nam Sudan năm 2014, tự hào nói: “Khi có những chiến sĩ mũ nồi xanh từ nước Việt, nhiều người dân Nam Sudan mới biết VN đã là một đất nước hòa bình…”.

Nhớ từng bước chân đã đi qua

Còn Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình VN, một trong hai sĩ quan QĐND VN đầu tiên được cử tới Phái bộ Nam Sudan năm 2014, cho hay: “Tôi nhớ như in những hoạt động đầu tiên khi tham gia nhiệm vụ GGHB, đặt chân lên phái bộ như thế nào. Trong khoảng thời gian ấy, tôi nhớ từng bước chân mình đã đi qua, từng nơi tôi đến và cả những người tôi gặp”.

Theo Đại tá Trọng, nơi ông tới thực hiện nhiệm vụ đều là những nơi “điển hình” nhất trong hoạt động GGHB, đặc biệt là công tác bảo vệ dân thường. “Chứng kiến xung đột sắc tộc, đụng độ giữa các phe phái, không có giới tuyến, không phân biệt dân thường, phụ nữ hay trẻ em... là điều ai được trải qua một lần cũng đều không thể quên. Cũng nhờ những trải nghiệm đó, chúng tôi càng hiểu hơn giá trị và ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế mà mình đang tham gia” - Đại tá Trọng cảm nhận.

them.jpg
Ảnh chụp vào năm 2023, lúc Đại tá Mạc Đức Trọng đang Đội trưởng Đội công binh số 1 tại UNISFA, khu vực Abyei. Ảnh: Cục GGHB.

Khoảng bốn năm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sĩ quan liên lạc ở Phái bộ Nam Sudan, Đại tá Trọng có cơ hội quay lại đất nước này với vai trò trưởng đoàn tiền trạm, khảo sát và làm công tác chuẩn bị cho việc triển khai BV dã chiến cấp 2 đầu tiên của VN tới Nam Sudan.

Sau này, khi đảm nhận vị trí đội trưởng Đội Công binh số 1 VN lần đầu tiên triển khai tới khu vực Abyei lại là những trải nghiệm khác đầy ý nghĩa đối với ông. Đó là sự tôn trọng của bạn bè quốc tế, đồng nghiệp ở phái bộ, những tình cảm yêu mến, biết ơn của chính quyền và người dân địa phương chính là phần thưởng quý giá đối với ông và đồng đội.

Luồng gió mới trong hoạt động GGHB Liên hợp quốc

Ở thời điểm hiện tại, với vai trò là phó cục trưởng Cục GGHB VN, Đại tá Trọng đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, lực lượng mũ nồi xanh của QĐND VN đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đó là xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ với người dân cũng như chính quyền sở tại, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu, quý trọng thông qua các hoạt động hỗ trợ, thiết thực giúp cải thiện đời sống của người dân.

+ Ngày 20-9-1977, VN được kết nạp vào LHQ, trở thành thành viên thứ 149. Từ năm 1998, VN bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động GGHB của LHQ theo tỉ lệ phần trăm GDP.

+ Ngày 23-11-2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc VN tham gia lực lượng GGHB LHQ”.

+ Ngày 27-5-2014, Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm GGHB VN. Tháng 6 cùng năm, chính thức cử hai sĩ quan quân đội đầu tiên đi làm nhiệm vụ tại phái bộ ở Nam Sudan.

+ Tháng 11-2017, Trung tâm GGHB VN thành cấp cục. Tháng 1-2018, chuyển giao tổ công tác liên ngành từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng để bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã dạy học, hướng dẫn làm nông nghiệp, đóng bàn ghế học sinh, làm nhà, dựng lớp học, khoan giếng, tặng máy phát điện, khám bệnh, cấp khẩu trang phòng dịch, cấp phát thuốc miễn phí.

“Cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn, nhân đạo vì cộng đồng của QĐND VN được chỉ huy phái bộ và lãnh đạo Liên hợp quốc (LHQ) ghi nhận như một sáng kiến, mô hình tham khảo tốt và được ví như luồng gió mới trong hoạt động GGHB LHQ” - Đại tá Trọng nói.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên, vài năm sau Đại tá Trọng có cơ hội quay lại Nam Sudan để tiền trạm, khảo sát việc triển khai BV dã chiến cấp 2 của VN. Năm 2022, Đại tá Trọng tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ là chỉ huy đơn vị đầu tiên triển khai tại một phái bộ mới: Đội trưởng Đội Công binh số 1 của VN tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại Phái bộ UNISFA, thuộc khu vực Abyei.

Nữ chỉ huy đơn vị đầu tiên

Cũng là sĩ quan đầu tiên đặt dấu chân đến Nam Sudan, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế thuộc Cục gìn giữ hòa bình VN (hiện là phó trưởng Ban Phụ nữ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị QĐND VN), cũng có nhiều kỷ niệm ở Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan (UNMISS).

Thượng tá Nga tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Phái bộ UNMISS, Nam Sudan với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự từ tháng 1-2018 đến tháng 1-2019. Thời điểm đó, chị là thiếu tá, trợ lý phòng Tham mưu - kế hoạch thuộc Trung tâm gìn giữ hòa bình VN (nay là Cục gìn giữ hòa bình VN).

P23_PHU2_gingiuhoabinh_vietthinh_dientam.jpg
Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga. Ảnh: NVCC

Năm 2022, khi Bảo tàng Phụ nữ VN tổ chức triển lãm “Những trái tim vì hòa bình”, Thượng tá Nga là người có nhiều hiện vật trao tặng nhất.

Thượng tá Nga nói: “Mỗi kỷ vật đều gắn liền với tôi với rất nhiều kỷ niệm. Trong đó có chiếc áo dài hoa sen mà tôi mặc mỗi khi có dịp lễ. Thông qua trang phục đó, tôi muốn bạn bè quốc tế hiểu hơn về trang phục của người VN”.

Thượng tá Nga cũng tặng bảo tàng chiếc khăn mà chị trao cho con trước khi bước chân lên máy bay, bắt đầu một hành trình xa Tổ quốc. Chiếc khăn ấy với chị thấm đẫm tình mẫu tử. Bởi lẽ ngày chị đi, con chị mới học lớp 4, đứa con xa mẹ đã quàng chiếc khăn đó mỗi khi đi ngủ mới ngon giấc. “Cháu đã quàng chiếc khăn đó đi ngủ trong một tháng trời mới quen với cảm giác xa mẹ” - Thượng tá Nga tâm sự.

Chia sẻ tại sự kiện giao lưu trong khuôn khổ triển lãm, Thượng tá Nga cho biết nhiệm vụ của các chị ở nước bạn vẫn còn nhiều. Chị kể những ngày đầu đặt chân đến Nam Sudan, người dân nơi đây chỉ biết đến VN là một đất nước có chiến tranh và kiên cường trong chiến đấu. Chỉ khi có những chiến sĩ mũ nồi xanh từ nước Việt, người dân mới biết rằng VN đã là một đất nước hòa bình với nhiều thành tựu phát triển.

Sau nhiệm kỳ đầu tiên rất thành công, Thượng tá Nga tiếp tục được Bộ Quốc phòng và Cục gìn giữ hòa bình tin tưởng giao đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc BV dã chiến cấp 2 số 4 của VN, thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan từ tháng 5-2022 đến tháng 7-2023. Đến nay, chị cũng là nữ chỉ huy đơn vị đầu tiên của đội hình BV dã chiến cấp 2 của VN tham gia sứ mệnh GGHB thế giới.•

Cha xứ ở Abyei: “Chúng tôi may mắn khi có người Việt Nam bên cạnh”

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND VN, 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, trong hai ngày 14 và 15-12, Đội Công binh số 3 (Cục GGHB VN) đã tổ chức lực lượng, phương tiện làm sân bóng đá, san sửa đường vào BV không biên giới, đường vào nhà thờ và BV Abyei, vận chuyển 20 xe đất và san gạt nền nhà Đài Truyền thanh Abyei.

Dịp này, Đại tá Mạc Đức Trọng cùng đoàn công tác của Binh chủng Công binh đã đến thăm và tặng quà cho các học sinh tại nhà thờ Abyei.

gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc.jpg
Binh chủng Công binh QĐND Việt Nam trong màu áo chiến sĩ mũ nồi xanh tham gia xây dựng ở châu Phi

Ông Bino, cha xứ ở Abyei, bày tỏ: “Chúng tôi rất vui và may mắn khi có người VN bên cạnh. Họ luôn làm việc và giúp đỡ mọi người. Họ đã giúp đỡ chúng tôi những việc như cấp nước sạch, san phẳng đường sá, xây dựng các lớp học theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi đã học được ở người VN rất nhiều, cảm ơn các bạn vì tất cả…”.

Trung tá Lê Hồng Giang, Chính trị viên Đội Công binh số 3, chia sẻ tập thể Đảng ủy, Ban Chỉ huy đội luôn xác định công tác dân vận là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thực hiện chức năng “đội quân công tác”.

Nét nổi bật trong thực hiện công tác dân vận của Đội Công binh số 3 thời gian qua là đơn vị đã thường xuyên phối hợp tích cực với cơ quan của phái bộ và chính quyền khu vực Abyei, cùng các nước cử quân nhằm nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương và xây dựng địa bàn an toàn.

Đọc thêm