Qua đó, để thực hiện các gói thầu tư vấn triển khai các bước đầu tư xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế…).
Theo tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc mở rộng thủy điện Hòa Bình đã được EVN, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng chấp nhận đưa vào quy hoạch. Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm...
Một góc Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: NG
Dự kiến tiến độ thực hiện dự án bao gồm một năm chuẩn bị và ba năm thi công. Theo đó, trước hết các bên sẽ hoàn thành lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi và báo cáo thiết kế kỹ thuật trước ngày 30-12-2017. Vào năm 2018, chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp thiết bị và chuẩn bị công trình, dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối năm 2018. Dự kiến hai tổ máy của công trình sẽ hoàn thiện và phát điện vào năm 2022. Khi dự án hoàn thành, thủy điện Hòa Bình sẽ có công suất hơn 2.400 MW, cao hơn thủy điện Sơn La (hiện đang đứng số một Đông Nam Á).
EVN cũng cho biết dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình không làm ảnh hưởng đến an toàn vận hành của thủy điện Hòa Bình hiện tại và không gây ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa của các dự án ở bậc thang thượng lưu sông Đà (Sơn La, Lai Châu). Dự án cũng không gây ảnh hưởng bất lợi đối với hạ du do khả năng điều tiết của hồ phía thượng lưu, tác động môi trường không đáng kể, không phải di dân tái định cư.
• Bên cạnh đó, EVN cũng lên phương án triển khai dự án thủy điện Ialy mở rộng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thú, Phó giám đốc Công ty thủy điện Ialy, cho biết hiện báo cáo tiền khả thi của dự án đã được gửi lên EVN và đang chờ tập đoàn xem xét, phê duyệt.
Theo ông Thú, việc mở rộng quy mô, tăng công suất Nhà máy thủy điện Ialy sẽ đạt các mục đích tận dụng được lượng nước phải xả qua tràn trong mùa lũ; tăng được công suất dự phòng cho hệ thống điện… Theo tính toán, việc mở rộng nhà máy này sẽ giúp gia tăng sản lượng điện hằng năm và doanh thu bán điện sẽ tăng thêm.
Dự án sẽ được xây dựng trong khu vực quy hoạch của nhà máy hiện tại và sẽ không mất chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vì không phải di dân. Mực nước dâng tại các hồ vẫn ở mức bình thường nên không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế-xã hội địa phương. Việc vận hành của Nhà máy thủy điện Ialy cũng như các nhà máy phía hạ du hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Vốn đầu tư dự kiến cho dự án này hơn 5.000 tỉ đồng.