Ngày 25-6, Hội Luật gia Việt Nam (VN) lần thứ hai ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc (TQ) gây căng thẳng tại vùng biển chủ quyền của VN. Tuyên bố lần này khẳng định nếu TQ cố tình không tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, cố tình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN, Hội Luật gia VN sẽ kiên quyết đề nghị Chính phủ (CP) VN sử dụng các biện pháp pháp lý theo pháp luật quốc tế để giải quyết.
Họp báo về nội dung này, các vị lãnh đạo hội đã trả lời về các giải pháp pháp lý trên.
Hội Luật gia Việt Nam họp báo ra tuyên bố phản đối Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: CTV
Có thể sẽ giải quyết ở Tòa trọng tài thường trực
. Pháp Luật TP.HCM: Cách đây hai ngày, CP đã ký hiệp định hợp tác với Tòa trọng tài thường trực (PCA) - nơi đang thụ lý vụ Philippines kiện TQ. Vậy VN có qua đó tìm cơ hội trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông?
+ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lê Minh Tâm: Dùng tài phán quốc tế là một giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. PCA là một thiết chế như vậy và Philippines đang sử dụng. Việc gia nhập và ký kết hiệp định với PCA như vừa rồi đã được chuẩn bị từ rất sớm. Khi cần thiết chúng ta có thể đưa vụ việc của mình ra PCA để giải quyết.
+ Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Chúng ta có thể đưa vấn đề biển Đông ra PCA theo hai cách. Một là phối hợp với Philippines, VN thành bên thứ ba tham gia vào vụ kiện để đồng thời tiến hành giải quyết tranh chấp giữa ta với TQ, Philippines với TQ. Hai là tham gia độc lập.
. Pháp Luật TP.HCM: Hội Luật gia VN đã nghiên cứu về thủ tục, quy trình tiến hành khởi kiện tại PCA cũng như những vụ việc tương tự mà PCA đã giải quyết chưa?
+ TS Lê Minh Tâm: Về việc này, tuyên bố của chúng tôi đã nêu rõ là với hơn 46.000 hội viên, Hội Luật gia VN sẵn sàng đồng hành cùng CP để chuẩn bị các hồ sơ pháp lý cần thiết, kiên quyết không để chủ quyền thiêng liêng của đất nước bị xâm phạm. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để chuẩn bị cái này. Còn việc quyết định cụ thể là ở CP.
. Tuổi Trẻ: Giữa các cơ quan tài phán quốc tế như PCA, Tòa án quốc tế về Luật Biển, Tòa công lý quốc tế thì với tranh chấp của VN - TQ, thiết chế nào khả thi nhất?
+ TS Nguyễn Văn Quyền: PCA thủ tục đơn giản hơn, dễ hơn, khả quan hơn.
. Infonet: Hội đã bao giờ gửi văn bản tư vấn cho CP nên kiện hay không và nếu kiện thì được gì, mất gì?
+ TS Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi đã có tính toán việc này. Nhưng hiện hai bên đang trong quá trình giải quyết bằng con đường đàm phán. Quan điểm là làm sao thực hiện tốt đường lối đàm phán hòa bình với TQ. Bất đắc dĩ không thể tiến hành bằng con đường đàm phán trao đổi giữa hai quốc gia thì chúng tôi sẽ dứt khoát đề nghị CP đưa vấn đề này ra cơ quan tài phán quốc tế để kiện.
“Đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại”?
. Đời Sống & Pháp Luật: Nếu phải kiện, theo hội nên kiện vấn đề gì: Đường lưỡi bò phi pháp, giàn khoan trái phép hay việc dùng vũ lực làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông?
+ TS Nguyễn Văn Quyền: Chúng ta có thể kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan 981. Ngoài ra, có thể kiện việc tàu TQ đâm va, làm chìm tàu, xâm phạm đến tài sản, con người trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN.
Còn vấn đề đường lưỡi bò thì phải qua đàm phán đa phương quốc tế về UNCLOS. Đây là tranh chấp giữa tất cả các nước ven biển Đông với TQ, ta không thể tự giải quyết riêng với TQ được.
. Pháp Luật TP.HCM: Ông nói là có thể kiện việc TQ đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển ta. Vậy nếu tới 15-8, TQ rút giàn khoan như họ đã thông báo hồi đầu vụ việc thì VN còn có thể kiện được không?
+ TS Nguyễn Văn Quyền: Về mặt pháp lý chúng ta vẫn có thể kiện được. Nhưng người ta đã rút đi rồi, quan hệ hai nước, nhân dân Việt - Trung rất hữu hảo từ trước đến nay và chúng ta luôn mong muốn giữ được mối quan hệ, tình cảm đó thì mình kiện làm gì nữa. VN ta có câu “Đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại”. Vậy người ta rút thì chúng ta cũng tỏ thái độ thiện chí.
+ TS Lê Minh Tâm: TQ rút giàn khoan rồi, ta vẫn kiện hay thôi, tôi nghĩ lúc đó Đảng, Nhà nước sẽ tính toán toàn diện, quyết định. Còn giới luật gia chúng tôi thì việc nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ vẫn phải làm. Chúng tôi luôn luôn phải chuẩn bị, kể cả khi TQ rút đi thì vẫn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sẵn sàng tư vấn Đảng, Nhà nước.
. Vietnamnet: Có những cảnh báo không chính thức nếu ta VN kiện TQ, TQ có thể cũng kiện lại VN. Hội đánh giá thế nào về khả năng này?
+ TS Lê Minh Tâm: Tất cả quốc gia tiến bộ đều hướng tới công lý, mà cơ sở là lẽ phải, niềm tin và luật pháp. Về cảnh báo bạn nói, chúng ta đủ trí tuệ và vững một niềm tin để nói rằng TQ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN.
Chúng ta vững về mặt pháp lý, được sự ủng hộ của quốc tế, phù hợp đạo lý chung, phù hợp với lợi ích của quốc gia khác trên thế giới thì chắc chắn chúng ta càng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ về mặt đạo lý, lẽ phải, pháp lý, chúng ta ở một vị thế mà chúng ta tin nếu kiện sẽ thắng.
. Pháp Luật TP.HCM: Những ngư dân bị tàu TQ đâm chìm, làm hư hại tàu thuyền, tài sản đang muốn tiến hành các thủ tục khởi kiện phía TQ. Vậy ở góc độ Hội Luật gia có tính phương án gì hỗ trợ pháp lý cho người dân không? + Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo tôi biết, Hội Nghề cá Đà Nẵng đã ủy nhiệm cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thủ tục khởi kiện phía TQ. Nếu họ yêu cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ. Khó nhất trong việc kiện này là xác định chủ thể vi phạm. Chủ tàu TQ trực tiếp đâm chìm tàu cá ta là ai, cái đó rất là khó. VN - TQ có hiệp định về tương trợ tư pháp nên ta hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan tư pháp TQ giúp. Về thẩm quyền giải quyết, vụ việc xảy ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, chủ thể bị thiệt hại là công dân VN nên tòa án VN hoàn toàn có quyền tài phán để thụ lý, xét xử. |
NGHĨA NHÂN